Khởi động dự án về quản lý dữ liệu và tài chính khí hậu
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” (CBIT).
Dự án CBIT do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Chủ dự án là Cục BĐKH (Bộ TNMT). Mục tiêu của Dự án là giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu của Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris. Dự án được thiết kế theo ba hợp phần: Tăng cường năng lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho BĐKH trong nước và quốc tế; Chia sẻ kết quả dự án ở cấp quốc gia và cấp quốc tế. Dự án sẽ được triển khai trong 4 năm đến hết tháng 3 năm 2026. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Giám đốc quốc gia Dự án CBITS cho biết: Hội nghị COP26 (năm 2021) đã thông qua Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow. Qua đó, hoàn thiện Bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris với những quy định cụ thể về Khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris để thực hiện từ năm 2021 trở đi. Là một bên tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã bước đầu thể chế hóa các quy định về kiểm kê khí nhà kính và khung minh bạch trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, việc theo dõi, giám sát tuân thủ các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện thông qua Hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV). Hệ thống này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về MRV và vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến quốc gia về MRV.
Việc cung cấp thông tin phục vụ MRV quốc gia là trách nhiệm liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, địa phương. Ở cấp cơ sở, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các tổ chức liên quan khác có trách nhiệm tuân thủ các quy định về MRV; cung cấp bổ sung thông tin, số liệu hoạt động phục vụ MRV cấp quốc gia, lĩnh vực theo yêu cầu của Bộ TN&MT và các Bộ quản lý lĩnh vực. Theo ông Tấn, đây là những vấn đề mới đối với hầu hết các cơ quan, cơ sở phát thải tại Việt Nam. Để triển khai các quy định pháp luật trong thời gian tới, dự án CBITS sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp yêu cầu quốc tế. Trên cơ sở này, dự án cũng sẽ giúp tăng cường hệ thống quốc gia để theo dõi dòng tài chính cho BĐKH trong nước và quốc tế một cách có hệ thống. Theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, việc thiết lập một hệ thống MRV quốc gia mạnh mẽ, minh bạch và bền vững là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự báo được để thực hiện NDC, đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thực hiện NetZero 2050. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần đầu tiên vào cuối năm 2024.
Dự án CBIT sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc gia trong việc theo dõi, báo cáo về phát thải khí nhà kính và thực hiện các hành động ứng phó BĐKH. Trong đó, các Bộ, ngành liên quan và cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sẽ cùng tham gia vào việc thiết kế hệ thống báo cáo và kiểm kê KNK cấp quốc gia và cấp ngành, phù hợp với yêu cầu quốc tế. Sau Hội thảo khởi động, Cục BĐKH sẽ phối hợp với UNDP để trình UNDP, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch năm 2023 để sớm triển khai thưc hiện.