Quá trình xây dựng Bộ chỉ số được thực hiện bài bản, khoa học
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, từ năm 2016, Tổng cục đã tổ chức xây dựng Bộ chỉ số với sự tham gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, các đơn vị, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tổng cục đã tổ chức một số đoàn công tác khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương; tổ chức 03 Hội thảo tham vấn góp ý đối với dự thảo Bộ chỉ số tại ba miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các Bộ ngành liên quan. Tổng cục cũng đã làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam để phối hợp triển khai thực hiện Bộ chỉ số.
Bộ chỉ số đã kế thừa phương pháp, cách thức tiếp cận xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường toàn cầu (EPI) và của một số nước; cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các tiêu chí, chỉ số liên quan đến bảo vệ môi trường trong hệ thống chỉ tiêu thống kê và các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong hệ thống chủ trương, chiến lược, chính sách đã ban hành.
Sau khi nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Bộ chỉ số, đã tiến hành thử nghiệm tính toán dự thảo Bộ chỉ số đối với các địa phương trong 2 năm 2017 và 2018. Qua tổng hợp kết quả thử nghiệm trong 2 năm của các địa phương, Tổng cục đang xây dựng hướng dẫn quy định chi tiết Bộ chỉ số để phục vụ triển khai chính thức Bộ chỉ số ngay khi được Bộ trưởng ký ban hành.
Bộ chỉ số là cơ sở quan trọng để đánh giá công tác bảo vệ môi trường trên cả nước
Về mục đích, Bộ chỉ số nhằm đo lường kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các địa phương, trên cơ sở đó theo dõi, so sánh, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường giữa các địa phương. Thông qua việc đánh giá để xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu; khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội về bảo vệ môi trường. Kết quả đánh giá, xếp hạng là cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Về phạm vi đánh giá, Bộ chỉ số được áp dụng thống nhất đối với tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước theo định kỳ hai năm một lần, kể từ năm 2020.
Về nội dung, Bộ chỉ số gồm hai nhóm: Nhóm I về Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Nhóm II về Đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác bảo vệ môi trường. Nhóm I gồm 22 chỉ số thành phần tập trung vào đánh giá chất lượng môi trường sống, chất lượng môi trường nước, không khí, đất, quản lý chất thải rắn, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển rừng,… Nhóm II gồm 2 chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về cung cấp dịch vụ công về môi trường và chất lượng môi trường sống.
Về cách thức thực hiện, dự kiến các địa phương sẽ tự xác định các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (nhóm chỉ tiêu I); một tổ chức độc lập do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định sẽ thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác bảo vệ môi trường của các địa phương (nhóm chỉ tiêu II) thông qua điều tra xã hội học. Kết quả sẽ được Hội đồng thẩm định liên ngành cấp Trung ương đánh giá, thẩm định và xếp hạng.
Bổ sung các tiêu chí đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường các địa phương
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, vấn đề đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương thông qua bộ chỉ số được Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, qua đó để địa phương thấy rõ trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu bảo vệ môi trường.
Cho ý kiến về nội dung bộ chỉ số, Thứ trưởng yêu cầu: cần chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí thành phần của bộ chỉ số. Đặc biệt, cần bổ sung một số tiêu chí để đánh giá công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với cơ sở xả thải lớn; số lượng cơ sở xả thải lớn có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; khu công nghiệp, khu chế xuát có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp, làng nghề có bảo vệ môi trường;… “Các tiêu chí này để khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương để xảy ra sự cố môi trường, không xử lý điểm nóng về môi trường phải trừ điểm rất nặng.” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về tổ chức triển khai thực hiện, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thống nhất, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chỉ đạo tự đánh giá, xác định các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. Bộ sẽ chỉ định một tổ chức độc lập đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác bảo vệ môi trường của các địa phương.
“Kết quả đánh giá và xếp hạng sẽ do Hội đồng liên ngành cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập thẩm định và công bố. Hội đồng sẽ có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; đại diện các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường với vai trò cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Bộ chỉ số sớm trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn