Hãy thay đổi cách đối xử với thiên nhiên
(TN&MT) - Hệ sinh thái trên trái đất - nền tảng của sự sống, đang bị suy thoái trầm trọng. Do đó, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước từ năm 2021 đến năm 2030 hãy phục hồi các hệ sinh thái (HST) để chống lại khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn đại dịch và tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước... Đây cũng là cách mà con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai.
97% HST trên trái đất không còn nguyên vẹn
Cuộc sống của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào các HST để tồn tại. Từ nước uống, lương thực cho đến đất đai để chúng ta xây dựng nhà cửa... Tuy nhiên, các HST này đang ngày một bị con người xâm phạm không thương tiếc. Trên khắp thế giới, con người sử dụng quá mức và lạm dụng các HST quan trọng, từ các rừng nhiệt đới cho tới các rạn san hô, đồng cỏ, thảo nguyên... khiến cho cuộc sống tự nhiên của các loài bị đe dọa, đồng thời gây hại đến các lợi ích của con người qua việc làm cạn kiệt dòng tài nguyên mà chúng ta sống phụ thuộc….
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change (không bao gồm Nam Cực), các nhà khoa học nhận định, thế giới đang trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhiều quần thể động vật hoang dã, từ sư tử đến côn trùng, đang lao dốc về số lượng cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống. Chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn. Một số nhà khoa học cho rằng, đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc về việc thực hiện Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi cũng cho thấy, hiện nay các khu vực hoang dã và đất ngập nước tiếp tục biến mất và các HST nước ngọt vẫn bị đe dọa nghiêm trọng. Khoảng 260.000 tấn hạt nhựa đã tích tụ trong các đại dương gây ảnh hưởng rất lớn đến HST biển. Hơn 60% rạn san hô trên thế giới đang bị đe dọa, đặc biệt là do các hoạt động đánh bắt quá mức và phá hoại.
Tại châu Âu, 80% môi trường sống tự nhiên đang trong tình trạng nguy cấp khi số lượng các loài động vật quan trọng tiếp tục suy giảm bất chấp các nỗ lực bảo tồn. Theo ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và nghề cá, “Điều này cho thấy rất rõ ràng rằng loài người đang đánh mất hệ thống hỗ trợ sự sống quan trọng. Chúng ta cần khẩn trương thực hiện các cam kết trong chiến lược đa dạng hóa các loài sinh vật của EU để đảo ngược sự suy giảm này."
Cùng hành động để xoay chuyển tình thế
Sự suy thoái các HST đã khiến nhiều quốc gia rơi vào thảm cảnh và trả giá rất đắt như nạn thiếu nước ở Punjab (Ấn Độ); xói mòn đất ở Tuva (Nga); kiệt quệ nguồn cá ở biển Đen; hàng nghìn người chết và hàng triệu người mất nhà cửa do lũ lụt ở sông Dương Tử (Trung Quốc) - hậu quả của chặt phá rừng đầu nguồn...
Ủy ban Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc cảnh báo, việc phá hủy môi trường sống và tiêu thụ vô độ đã khiến các bệnh truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người. Nếu không có sự thay đổi cơ bản trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn, giết chết nhiều người hơn và gây thiệt hại tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với Covid-19.
Để cứu HST, xoay chuyển tình thế, Liên Hợp Quốc đã đặt ra kế hoạch đến năm 2030, 30% diện tích đất liền và biển trên Trái đất sẽ trở thành khu vực được bảo vệ; giảm 50% sự sinh sôi của các loài xâm lấn, tình trạng ô nhiễm do thuốc trừ sâu và rác thải nhựa gây ra. Kế hoạch này chỉ đạt được khi cả thế giới cùng chung tay hành động. Do đó, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước hưởng ứng Thập kỷ phục hồi HST (2021 - 2030). Đây là mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là rất quan trọng để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Thập kỷ này được khởi động thông qua sự kiện Ngày Môi trường thế giới năm 2021 được tổ chức tại Pakistan - một đất nước đã nỗ lực khôi phục rừng, đồng thời cam kết dẫn đầu tất cả các quốc gia khôi phục HST bị tổn hại thông qua Thập kỷ Liên Hợp Quốc về phục hồi HST.
Trong ngày diễn ra sự kiện này (5/6/2021), nước chủ nhà Pakistan sẽ nêu bật các vấn đề môi trường và giới thiệu các sáng kiến của Pakistan cũng như vai trò của nước này trong các nỗ lực toàn cầu. Các quốc gia trên toàn thế giới sẽ hưởng ứng thông qua các sự kiện và hoạt động khác nhau, phù hợp với các quy định mới nhất của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, thể hiện vai trò nước chủ nhà, Pakistan đã thành lập Quỹ Phục hồi HST để hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các sáng kiến có mục tiêu sinh thái, chống chịu với môi trường bao gồm trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành UNEP: Năm 2020, thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người. Phục hồi HST là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các HST trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Chỉ với các HST lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)