Những mảnh chất thải nhựa sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các mảnh vụn nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm. Do các dòng chảy sông, suối, dòng hải lưu, các mảnh nhựa vụn di chuyển trên sông, suối, biển và đại dương. Các động vật nuốt phải các vi hạt nhựa sẽ làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật. Vi hạt nhựa phát sinh có nguồn gốc do rác thải nhựa phân hủy; sản xuất, chế tạo nhựa; từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong sợi vải, mỹ phẩm; từ hoạt động giao thông trên đất liền (bụi nhựa đường); từ sự bào mòn, hỏng hóc của các phương tiện giao thông...
Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.
Hiện nay, cứ từng phút, từng giây trôi qua, một lượng lớn rác thải nhựa tiếp tục được thải ra trên toàn thế giới. Ước tính, có khoảng 500 tỷ chai nhựa; trên 500 tỷ túi ni lông được sử dụng mỗi năm. Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm nhân loại thải bỏ một lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn thải ra đại dương. Trong quá trình sử dụng các sản phẩm nhựa và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ đối mặt với tình trạng rác thải nhựa, túi ni lông và phát sinh vi hạt nhựa.
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” và ngay sau đó với chức năng thống nhất quản lý nhà nước bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào 'Chống rác thải nhựa'.
Hạn chế tác hại của vi hạt nhựa cần trước tiên hạn chế và tiến tới không sử dụng đồ nhựa kém chất lượng, túi nilông khó phân hủy. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm như rà soát Luật bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Khẩn trương triển khai Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế - xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mạiso với năm 2010”.
Đặc biệt, tuyên truyền các biện pháp để hạn chế vi hạt nhựa tác động đến môi trường, sức khỏe con người; thực hiện giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường trong nước; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy sinh học; tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
BBT (Nguồn:Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn