Hoàn thiện quy định về giảm nhẹ phát thải
Một trong những văn bản quan trọng nhất hiện nay là dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Quy định này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý giảm nhẹ phát thải KNK cũng như thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), dự thảo đầu tiên đã được trình lên Chính phủ từ tháng 6/2018. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ, Cục đã chủ trì rà soát nội dung dự thảo Nghị định theo yêu cầu thực tế từ kết quả của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP) 24, dự kiến báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2019 tới đây. Để triển khai Nghị định trên, Cục đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo phục vụ kiểm kê quốc gia KNK và mức giảm nhẹ phát thải KNK.
Thực hiện nghĩa vụ tham gia Công ước khung, đầu năm 2019, Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về kiểm kê KNK đã được hoàn thiện và gửi đến Ban Thư ký Công ước. Từ nay đến tháng 11/2019, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050” để trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã trải qua 7 cuộc họp kỹ thuật giữa các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Liên quan đến Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô dôn, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc nghiên cứu rà soát Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư, trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2019, đồng thời, gửi báo cáo số liệu tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô dôn năm 2018 cho Ban Thư ký Nghị định thư.
Trong xây dựng các hành động chính sách ứng phó BĐKH ở các lĩnh vực, Cục BĐKH đã phối hợp với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện giám sát việc xây dựng, thực hiện các hành động chính sách các năm từ 2016 - 2019, đồng thời, thảo luận định hướng về Chương trình thực hiện NDC thay thế mô hình hoạt động của Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.
Phát triển cơ sở dữ liệu về BĐKH
Trong dài hạn, một trong những yêu cầu quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BĐKH là tiếp tục cập nhật thông tin dữ liệu về BĐKH trong nước và thế giới, đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa hoàn thiện là vấn đề tồn tại đã nhiều năm và vẫn đang trong quá trình khắc phục dần dần. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể liên quan để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, xem xét để tham gia vào Việt Nam trong lĩnh vực BĐKH. Các chương trình, kế hoạch hành động được ban hành từ Trung ương đến địa phương chưa được thực hiện đầy đủ do kinh phí ngân sách dành cho các nhiệm vụ này ngày càng khó khăn.
Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về BĐKH ở Trung ương và địa phương trong bối cảnh nước ta ngày càng thêm nhiều nhiệm vụ phức tạp ứng phó với BĐKH, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK trong các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đặc biệt là thực hiện các dự án, nhiệm vụ về BĐKH của các Bộ, ngành, địa phương.
Trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019, Cục BĐKH sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện Nghị định quy định lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải KNK và chuẩn bị xây dựng các văn bản hướng dẫn; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, Cục với vai trò chủ trì sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo NAP, rà soát cập nhật NDC của Việt Nam và trình Bộ xem xét phê duyệt một số văn kiện dự án quan trọng; phối hợp đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH của Việt Nam, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về BĐKH.
Một sự kiện quan trọng nữa là Hội nghị COP25 tại Chi Lê vào cuối năm 2019. Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện những đề xuất dự án phục vụ ứng phó với BĐKH, đàm phán nhằm huy động nguồn tài trợ sau này.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn