Để "chung sống an toàn " với thiên tai ngày càng dị thường
(TN&MT) - Thiên tai năm 2020 ở Việt Nam thực sự là cơn ác mộng. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với con người. Chủ động đối phó và chung sống an toàn với thiên tai trở thành vấn đề thực sự cấp bách.
Dị thường, khốc liệt “Thiên tai dị thường” là từ được dùng để nói về diễn biến thời tiết năm 2020. Ngay trong ngày 30 và 1 Tết Nguyên đán 2020 đã xuất hiện dông lốc, mưa đá - một điều rất hiếm khi xảy ra. Đặc biệt chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.
Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi; lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Những ngày đầu năm 2021, miền Bắc lại hứng chịu đợt rét tương đương với trận rét kỷ lục vào tháng 1-2016. Đặc biệt, hiện tượng băng giá, mưa tuyết liên tục xuất hiện tại nhiều vùng núi cao. Theo dự báo, trong tháng 1-2021, sẽ có khoảng 4-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, khiến nền nhiệt trung bình tháng 1-2021 thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ, khả năng xảy ra những ngày rét đậm, rét hại cũng nhiều hơn so với mức trung bình. Thực tế cho thấy, thời tiết năm 2020 và những ngày đầu năm 2021 ở nước ta diễn biến theo đúng xu hướng “cực đoan, xuất hiện với tần suất ngày càng cao”. Hậu quả lâu dài không tính hết được bằng con số Theo thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD. Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.
Không chỉ xuất hiện với tần suất ngày càng cao, thiên tai năm 2020 được đánh giá là có nhiều yếu tố bất thường, thậm chí là dị thường, khó lường. Thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến đầu tháng 12-2020, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn m đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế lên đến gần 36 nghìn tỷ đồng. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, những con số thiệt hại mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020 để lại hậu quả lâu dài mà không thể tính toán được hết bằng con số. Bao nhiêu người mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương. “Tôi đi thực tế, chứng kiến nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, có nơi như trở về thời kỳ đồ đá. Khoảng 10 năm nữa may ra mới có thể phục hồi hoặc cũng có thể không bao giờ phục hồi được như trước đây, dù nhà nước có cấp ngay 30.000 tỷ đồng hay nhiều tiền hơn vẫn không thể tái thiết như cũ”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ. “3 sẵn sàng” với “4 tại chỗ” Thiên tai là những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, là sự cố bất khả kháng và có những lúc nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Tuy nhiên, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai thì hoàn toàn có thể chủ động được. Là một trong những nước trên thế giới bị thiên tai đe dọa lớn nhất, nếu không chủ động phòng chống, Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Bởi vậy, công tác phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra. Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai. Chủ động để ổn định, không bất ngờ lúng túng trước tình huống xấu. Chủ động để người dân không ai phải màn trời chiếu đất, không để ai ở lại phía sau trong thiên tai”. Trong phòng chống thiên tai, phòng phải hơn chống. Muốn vậy, trước hết cần rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương và địa phương gắn chiến lược phòng tránh thiên tai vào nội dung công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đi vào cụ thể, mục tiêu mà Chính phủ đề ra là phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai, chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất… Trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên chất vấn chiều 6/11/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra rằng, hiện nay lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy huy động được các lực lượng Trung ương, địa phương, quân đội, công an với phương châm “4 tại chỗ” nhưng chưa có lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm nạn chuyên nghiệp. Nhất là ở cơ sở, lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu các phương tiện chuyên dùng, do đó rất khó, chậm tiếp cận đến điểm xảy ra sạt lở, thiên tai. Từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tìm kiếm cứu nạn. Thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ từ hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó. Tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn đảm bảo mục tiêu đa mục tiêu, gắn phòng, chống thiên tai. Đồng thời, xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét. Đây là kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Khi các giải pháp phòng ngừa thiên tai được thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, khoa học, cẩn trọng, đề cao chủ động thích ứng, chúng ta sẽ có thể chung sống an toàn hơn với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra với nền kinh tế và đời sống con người.