Tư duy quản lý mới đã được thể hiện rõ nét trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, với những quy định mới về bảo vệ môi trường nước. Theo đó, từ năm 2021 - 2023, Tổng cục Môi trường sẽ xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 lưu vực sông (LVS): Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai.
Không “nhân nhượng” trước ô nhiễm
Cuối năm 2020, 3 Hội nghị tổng kết các Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai được tổ chức, đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn nỗ lực bảo vệ môi trường các LVS trước sự tăng trưởng nóng về kinh tế - xã hội.
Nhìn nhận lại việc quản lý môi trường các LVS trong hơn 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá, việc thực hiện các Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy, LVS Đồng Nai đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong việc kiểm soát và kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tạo áp lực lớn lên môi trường. Bên cạnh đó, những bất cập trong ô nhiễm môi trường các LVS vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải cụm công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra môi trường.
“Phải tạo được đột phá trong quản lý môi trường nước LVS trong giai đoạn tới, dựa trên tư duy quản lý mới, theo những quy định được đặt ra trong Luật BVMT năm 2020”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.
Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra công cụ Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước (Khoản 2, Điều 9). Kế hoạch này bao gồm việc đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy. Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt. Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng nước mặt.
Luật BVMT năm 2020 cũng quy định Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với các sông liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT (trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Sẽ đánh giá khả năng chịu tải của 3 LVS
Đại diện Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, theo yêu cầu của Luật mới, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2023, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước và triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 LVS: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai. Hoạt động này được thực hiện thông qua nhiệm vụ “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT đối với quản lý chất lượng nước mặt; đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với một số LVS liên tỉnh”.
Cụ thể, Tổng cục sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; hướng dẫn kỹ thuật về lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 LVS (phương pháp mô hình và phương pháp gián tiếp); tổng hợp kết quả tính toán, xây dựng các bản đồ phân vùng chất lượng nước và khả năng chịu tải. Từ đó, sẽ có Dự thảo Quyết định phê duyệt kèm theo Danh mục các đoạn sông không còn khả năng chịu tải (trình Bộ ban hành). Đơn vị cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện Dự thảo các Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 LVS.
Với các nhiệm vụ này, lộ trình thực hiện như sau: Năm 2021: tập trung xây dựng các nội dung quy định, hướng dẫn về lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước, thu thập dữ liệu, một số hoạt động điều tra khảo sát ban đầu. Năm 2022: tập trung vào các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Năm 2023: tập trung xây dựng và hoàn thiện các Dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước.
Cùng với đó, để quản lý môi trường LVS hiệu quả, có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, Cục BVMT miền Bắc đề nghị, cần kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý 3 LVS này. Trong đó, phải tính đến nguồn lực về con người và tài chính để giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra, như đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề...
Mặt khác, theo ý kiến của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, việc quản lý LVS cần gắn với việc xây dựng các quy hoạch mà Tổng cục Môi trường hiện đang được giao phụ trách như Quy hoạch bảo vệ môi trường, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Ghi nhận kiến nghị này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, để tạo cơ sở cho việc bảo vệ môi trường các LVS trong giai đoạn mới, Tổng cục Môi trường phải hoàn thiện Báo cáo chung về việc thực hiện 3 Đề án BVMT 3 LVS, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong báo cáo, Tổng cục cần nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất giải pháp dựa trên quan điểm quản lý mới, tư duy quản lý mới được đặt ra ngay trong Luật BVMT năm 2020.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)