Tham dự Hội nghị ASEM, nhiều đại biểu cho rằng, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về BĐKH là những khuôn khổ toàn cầu góp phần xử lý những vấn đề cốt lõi của phát triển, tạo động lực mới cho tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp, nâng cao khả năng tự cường của người dân, cộng đồng và quốc gia. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn, điển hình hay được các thành viên Á – Âu chia sẻ tại Hội nghị, nhất là trong phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH, bảo đảm an ninh lương thực; sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch; phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó BĐKH... Nhiều thành viên ASEM đánh giá cao nỗ lực và nhất trí sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhằm phát triển bền vững thích ứng với BĐKH.
Hội nghị cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường vai trò và sự tham gia của các bên liên quan, trong đó các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, địa phương, các quỹ tài chính, các tổ chức chính trị - xã hội, phụ nữ, thanh niên…., nhằm ứng phó hiệu quả hơn với BĐKH. Các đại biểu nhất trí vấn đề ứng phó BĐKH cần được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xây dựng các cộng đồng tự cường…, tạo động lực mới cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng cho mọi người dân.
Tại Phiên tổng kết, Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp tăng cường phối hợp hành động trong ASEM. Trong đó, nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH; xác định cách tiếp cận tổng thể, thống nhất trong nhận thức và hành động để gắn vấn đề ứng phó BĐKH với phát triển bền vững; tăng cường gắn kết các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM; đẩy mạnh hợp tác về dự báo, đánh giá tác động, dự báo rủi ro, nâng cao năng lực, tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên, thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các chương trình đối tác công – tư. Các thành viên ASEM cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH, đặc biệt về hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ xanh, sạch, tăng cường hợp tác ASEM về giảm chất thải nhựa ra đại dương và ủng hộ các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng nhất trí ủng hộ các cơ chế hợp tác tiểu vùng và khu vực, trong đó có hợp tác Mê Công – Đa-nuýp. Các kết quả của Hội nghị đã góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo ASEM về tăng cường hợp tác liên khu vực và hành động quyết liệt hơn để ứng phó hiệu quả với BĐKH. Các khuyến nghị chính sách và hành động cụ thể được thông qua tại Hội nghị sẽ đóng góp xây dựng những hướng hợp tác mới của ASEM về ứng phó BĐKH.
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã nhất trí thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brúc-xen tháng 10/2018. Trong thời gian Hội nghị, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, các Bộ, Ban ngành, viện nghiên cứu của nước ta với các đối tác Á - Âu; triển lãm về “Biến đổi khí hậu – Thách thức và cơ hội cho hợp tác Á – Âu” cũng như chương trình tham quan Cồn Sơn, đã góp phần giới thiệu những thách thức đặt ra, nỗ lực của Chính phủ và các tỉnh, thành ĐBSCL trong thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các Bộ, Ngành, địa phương của Việt Nam với các thành viên Á – Âu. Hội nghị ASEM đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao tính thiết thực của hợp tác ASEM, khẳng định đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu vì phát triển bền vững. Sáng kiến này cũng tiếp tục góp phần triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn...
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn