Cuộc họp có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cùng đại diện các vụ Pháp chế, vụ Khoa học công nghệ, vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ TN&MT và Viện Chiến lược Chính sách TN&MT.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Môi trường (TCMT) cho biết, sau khi có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, TCMT tiếp tục hoàn thiện tờ trình của Bộ trưởng Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện Tổng cục Môi trường đã xây dựng cơ bản bản Dự thảo Tờ trình về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học và lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia để khi trình Bộ trưởng ký.
Hồ sơ đi kèm tờ trình sẽ bao gồm thuyết minh nhiệm vụ; dự thảo Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; các văn bản góp ý của các Bộ và biên bản họp Hộp đồng thẩm định xét duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
Về Quy hoạch bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Dự thảo tờ trình nêu rõ, tính đến nay, công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch vườn quốc gia đang có những bất cập nhất định. Rất nhiều khu vực thuộc các quy hoạch này đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất hoặc được quy hoạch dành quỹ đất cho các hoạt động phát triển. Như vậy, giữa các quy hoạch này với các quy hoạch phát triển cho sự mâu thuẫn và gây khó khăn cho các ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện các giải pháp của phương án phát triển. Vì vậy, cần có phân vùng và định hướng cụ thể các tiêu chí quản lý, bảo vệ và bảo tồn để hài hòa giữa mục tiêu của các quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng với thực trạng và quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Đối với quy hoạch quản lý chất thải rắn, hiện nay, các quy hoạch về xử lý chất thải rắn tại Việt Nam được quy hoạch theo quy hoạch liên vùng, liên tỉnh và các quy hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhằm phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, qua đó từng bước khắc phục những tồn tại, bất cập, đưa công tác quản lý chất thải rắn đi vào nề nếp, có đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải trên địa bàn. Vì vậy cần hoàn thiện thêm quy hoạch quản lý chất thải ở các cấp độ khác nhau, trong đó phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, quản lý xử lý chất thải rắn một cách hệ thống và cho dài hạn.
Về quy hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường, sau nhiều năm triển khai và hoạt động, mạng lưới quan trắc môi trường đã phát triển, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nhưng trong thời gian qua, công tác quan trắc môi trường vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, việc quy hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường, bố trí các trạm quan trắc môi trường cần được gắn kết chặt chẽ với phân vùng môi trường nhằm đưa ra mật độ trạm quan trắc, giám sát phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển phù hợp với mức độ tác động đến môi trường của các hoạt động phát triển trong hành lang các yêu cầu về tiêu chuẩn, định hướng được đặt ra trong quy hoạch bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.
Đặc biệt, tại Dự thảo tờ trình, để phù hợp với quy định của pháp luật, nguồn lực hiện có, bảo đảm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch để triển khai thực hiện, Tổng cục môi trường cũng đã tham mưu cho Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện; chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí cho Bộ TN&MT để hoàn thành việc lập Quy hoạch theo đúng kế hoạch.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường hoàn thiện lại phiếu trình và hồ sơ Dự thảo quy hoạch với việc nêu rõ số phiếu đồng ý và không đồng ý của thành viên Hội đồng thẩm định, nghiên cứu rà soát xem còn ý kiến nào cần đưa vào, cần sửa chữa tại các bản Dự thảo, chú ý các ý kiến đó phải cócơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn. Tổng cục Môi trường cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ TN&MT đúng thời hạn được giao.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn