Quản lý, khai thác, vận hành VNGEONET hiệu quả, bền vững
Từ năm 2021-2023, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý và khai thác mạng lưới trạm định vị vệ tinh Việt Nam”. Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm giúp Việt Nam tối ưu hóa giá trị và hiệu quả của các trạm tham chiếu hoạt động liên tục (CORS), qua đó hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
VNGEONET: Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, Việt Nam đã hoàn thành mạng lưới các trạm định vị vệ tinh (VNGEONET) thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế, làm thay đổi cơ bản hạ tầng đo đạc theo xu hướng hiện đại và đáp ứng độ chính xác cao, góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ đối với Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, qua quá trình quan trắc liên tục trong năm 2019 tại 17 trạm khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đã cho thấy hướng dịch chuyển mảng của Việt Nam theo hướng Đông - Nam với vận tốc trung bình từ 3,0-3,3cm/năm và tốc độ trồi, lún trung bình 0,8- 1,0cm/năm. Bên cạnh đó công nghệ này còn có khả năng phục vụ công tác nghiên cứu tầng khí quyển căn cứ vào độ trễ của tín hiệu khi di chuyển qua tầng điện ly và tầng đối lưu. Kết quả này sẽ được sử dụng để xây dựng bản đồ hiện trạng tầng khí quyển phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, dữ liệu đo GNSS liên tục kết hợp với dữ liệu thu được từ các các thiết bị cảm biến khí tượng tích hợp cùng các trạm CORS còn được sử dụng để tính lượng bốc hơi và ngưng tụ của hơi nước trong không khí (PWV) phục vụ công tác dự báo thời tiết. Tăng cường năng lực quản lý, khai thác mạng lưới trạm định vị vệ tinh Việt Nam Mặc dù VNGEONET bước đầu đi vào hoạt động đã đem lại những hiệu quả to lớn, tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Lâm, việc vận hành và thực hiện các bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng vẫn chưa được tối ưu hóa. Mặt khác, chính sách mở rộng người dùng, việc xây dựng cơ chế thu phí dữ liệu một cách phù hợp để phát triển và duy trì hệ thống vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Vì vậy, để VNGEONET của Việt Nam hoạt động bền vững và hiệu quả, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý và khai thác mạng lưới trạm định vị vệ tinh Việt Nam” từ năm 2021 đến năm 2023. Mục tiêu của dự án nhằm giúp Việt Nam tối ưu hóa giá trị và hiệu quả của các trạm CORS, qua đó hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu đề ra, dự án sẽ triển khai 3 nội dung hoạt động chính như: Nghiên cứu về VNGEONET; Phân tích so sánh VNGEONET với hệ thống trạm định vị vệ tinh của Nhật Bản để từ đó xác định các vấn đề trong quá trình hoạt động và tổ chức hội thảo cho các nhà điều hành và sử dụng dữ liệu VNGEONET; Xây dựng hướng dẫn vận hành VNGEONET trong đó sẽ có các khóa đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam; ... Dự kiến, thông qua dự án, sẽ giúp các chuyên gia vận hành quản lý trạm CORS của Việt Nam nắm bắt được các quy trình quản lý, bảo trì hệ thống trạm CORS; quy trình liên quan đến chống sét cho các trạm, quy trình về sao lưu giữ liệu cũng như các quy định về thu phí dữ liệu, dịch vụ khai thác dữ liệu, ứng dụng mở rộng.