Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp xây dựng, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giúp tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đang là xu hướng mà các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ xây dựng triển khai là quy hoạch các nhà máy xi măng gắn liền với vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; đầu tư đồng bộ từ khâu chế biến nguyên liệu đến đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn liền với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nguyên liệu; khắc phục tình trạng đầu tư hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng và thị trường …
Việc thúc đẩy phát triển, sử dụng nguyên liệu mới trong sản xuất xi măng theo thống kê của Bộ Xây dựng đã đạt được những thành quả nhất định. Hiện nay, 13 nhà máy đang sử dụng thạch cao Đình Vũ để thay thế cho thạch cao nhập khẩu. Khoảng 06 nhà máy xi măng và một số trạm trộn bê tông thương phẩm sử dụng tro nhiệt điện làm nguyên liệu thay thế nguyên liệu sét trong sản xuất xi măng với hàm lượng sử dụng từ 6 – 12 %. Đặc biệt, một số đơn vị còn sử dụng các chất thải nguy hại, kể cả của ngành y tế làm nguyên liệu thay thế khoảng 10% nhiên liệu nung clinker, xi măng. Hơn 20 cơ sở nhiệt điện đốt than đang hoạt động đã ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ một phần tro, xỉ, thạch cao phát sinh. 47 doanh nghiệp ký hợp đồng tiếp nhận tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.
Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, những năm gần đây, vấn đề tiêu thụ vật liệu xây dựng xanh đã đạt mục tiêu tại Chương trình 567 về phát triển vật liệu xây dựng không nung của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng còn nhiều khó khăn, thách thức là do quá trình phát triển công trình xây dựng xanh chưa được quan tâm đúng mức cả về góc độ quản lý nhà nước và hoạt động doanh nghiệp. Cùng với đó, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng xanh, phía doanh nghiệp chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất mới do những lợi ích mà sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Bất chấp những khó khăn đó, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Hiện nay 55/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, ban hành lộ trình xóa bỏ gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng chính sách, ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Đến nay, tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 7 tỷ viên (chiếm 28% tổng lượng gạch xây dựng). Các trường đại học, các viện nghiên cứu đang biên soạn giáo trình mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng không nung để đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp”.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Anh, song song với những giải pháp khuyến khích phát triển vật liệu xanh, Bộ xây dựng còn ban hành nhiều chính sách nhằm kiểm soát và phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh việc quan trắc, đo đạc nguồn thải tại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng cũng như rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt của các công trình xử lý chất thải trong phạm vi mình quản lý, Bộ xây dựng còn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch 14 dự án sản xuất xi măng (chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường) và hoãn triển khai 9 dự án, giãn tiến độ 5 dự án (chủ yếu là chủ đầu tư cấc dự án này không đủ năng lực).
Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Chính cũng nhấn mạnh: “Để phát triển vật liệu xây dựng xanh một cách bền vững, cần có các cơ chế rõ ràng. Một mặt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, một mặt có những cơ chế kiểm soát đối với vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng và xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng trên có quy mô trên cả nước …”.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn