Chọn điểm nhấn của truyền thông ngành TN&MT năm 2020
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đặt vấn đề: “Năm 2020, công tác truyền thông phải đổi mới về cả cách thức và nội dung tuyên truyền. Các đơn vị cần đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nhất, bám sát những lĩnh vực của Bộ quản lý, góp phần giải quyết những vấn đề nóng bỏng về TN&MT đang đặt ra tại các địa phương. Điểm nhấn trong công tác truyền thông của ngành TN&MT chính là những chính sách, hoạt động của ngành được truyền đi hiệu quả và có sức lan tỏa lớn trong xã hội”.
Theo báo cáo của các đơn vị truyền thông, báo chí của Bộ TN&MT, năm 2020, các đơn vị tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực TN&MT; hoạt động, công tác, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc ngành TN&MT; phản ánh đời sống kinh tế - xã hội có liên quan đến ngành từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, đó là truyền thông phổ biến những đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, môi trường trong Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; truyền thông về Luật Đo đạc và Bản đồ về Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ về phát biển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, phong trào chống rác thải nhựa…
Bên cạnh những điểm chung trong nội dung truyền thông, căn cứ theo nhiệm vụ, chức năng riêng của từng đơn vị, năm 2020, mỗi cơ quan truyền thông còn có những định hướng riêng.
Ông Hoàng Mạnh Hà – Tổng Biên tập Báo TN&MT cho biết, năm tới, Báo sẽ sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn theo hướng giảm các đầu mối theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tăng cường chất lượng của các ấn phẩm, tổ chức nhiều hoạt động hướng đến Kỷ niệm 15 năm xuất bản số báo đầu tiên (3/2/2005 - 3/2/2020). Báo cũng đề xuất một số nhiệm vụ mở mới, đó là xây dựng và tích hợp bản tin truyền hình tài nguyên và môi trường trên Báo điện tử TN&MT, khởi động lại Đề án Chuyên trang Môi trường trên Báo điện tử TN&MT. “Báo cũng đề xuất Bộ được đầu tư hệ thống lưu trữ tổng thể cơ sở dữ liệu của cơ quan Báo gồm hình ảnh, phim tư liệu...phục vụ cho ngành TN&MT. Bởi thực tế, hiện nay, các dữ liệu truyền thông về TN&MT được lưu trữ còn rời rạc, chưa có hệ thống”, ông Hoàng Mạnh Hà cho biết.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, năm 2020, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền vê ngành. Trung tâm cũng tổ chức các sự kiện như: Các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2020, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…đạt hiệu quả cao.
Về phía Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, ông Vũ Văn Long – Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết, sẽ đổi mới hoạt động của Cổng từ giao diện đến việc kết nối thông tin với các Sở TN&MT địa phương; xây dựng được hệ thống thông tin đối thoại với người dân và doanh nghiệp.
“Cũng với tinh thần đổi mới, Tạp chí TN&MT sẽ tổ chức các chuyên đề, chuyên mục mang tính khoa học, chuyên sâu. Chúng tôi sẽ huy động thêm các nhà khoa học ngoài ngành để Tạp chí có tiếng nói đa chiều, đa ngành”, ông Chu Thái Thành – Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT nói.
Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu: Các đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông ngành TN&MT
Phải xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông TN&MT
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nêu rõ, năm 2020 là năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, các cơ quan báo chí truyền thông của ngành TN&MT cần phải bám sát, tuyên truyền đậm nét về các sự kiện trọng đại này của đất nước. Cùng với đó, năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN. Nhân dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN sẽ được tổ chức. Đây là những nội dung mà truyền thông cần tích cực đi đầu để tuyên truyền đậm nét. Cụ thể là cần tuyên truyền sâu rộng về Phong trào chống rác thải nhựa (đại dương và đồ nhựa sử dụng một lần); Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước hệ thống sông Mê Kông; Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Liên kết, chia sẻ thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn các quốc gia thành viên ASEAN; Tăng cường trao đổi khoa học công nghệ trong hoạt động viễn thám các quốc gia thành viên ASEAN...
Nhìn nhận một cách sâu rộng hơn về công tác truyền thông của ngành TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo: Trong kỷ nguyên số hóa này, thông tin của lĩnh vực TN&MT phải được tổng hợp, tích hợp. Bước sang năm 2020, các đơn vị, trong đó, Báo TN&MT chủ trì xây dựng được cơ sở dữ liệu truyền thông của ngành TN&MT. “Đây chính là cơ sở để ngành TN&MT kết nối sâu rộng hơn với các cơ quan thông tấn báo chí cũng như người dân cả nước trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần có dữ liệu đầu vào. Các đơn vị báo chí truyền thông của Bộ TN&MT cần chú trọng gom dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, từ các địa phương. Thứ trưởng giao Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền sớm xây dựng quy chế để thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo các Sở TN&MT có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành TN&MT.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn