Thông tin báo chí về diễn biến bão số 09, mưa, lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ và công tác dự báo phục vụ

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày). Đợt mưa này có thể kéo dài đến hết ngày 27/11. Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1.

1. Diễn biến và ảnh hưởng của cơn bão số 09/2018 (USAGI)

Sáng sớm ngày 21/11, một áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9 đã vượt qua bán đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin) đi vào vùng biển Đông Nam Biển Đông. Sau khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ trung bình 15-20km/giờ.

Chiều ngày 22/11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, đây là cơn bão số 9 trên khu vực Biển Đông năm 2018 và có tên quốc tế là USAGI. Sau khi đi qua đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), bão có xu hướng di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam.

Ngày 23/11, bão liên tục mạnh lên, đến chiều cùng ngày sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 10, giật cấp 12. Sáng sớm ngày 24/11, bão số 9 đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Nam với tốc độ 10-15km/h và duy trì cường độ mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Từ 07 giờ sáng ngày 24/11, bão di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10km/giờ. Đến sáng ngày 25/11, khi đi sát vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre bão suy yếu dần và đến trưa cùng ngày bão đi vào khu vực từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9. Sau khi đi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi vào Đông Nam Bộ.

Ảnh hưởng gió mạnh: Bão số 9 đã gây gió mạnh cấp 7-8, gió giật mạnh cấp 9 ở Phan Thiết và Vũng Tàu (trạm hải văn Vũng Tàu đã đo được gió mạnh 16m/s - cuối cấp 7 theo thang đo gió Bô pho, trạm khí tượng Phan Thiết đã đo được gió giật mạnh 20m/s - cuối cấp 8) vào sáng ngày 25/11; các khu vực ven biển khác từ Khánh Hòa đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-7.

Ảnh hưởng mưa lớn: Từ ngày 24/11 đến hết ngày 25/11, ở các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đông Nam Bộ (trong đó có TP. Hồ Chí Minh) đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Ở các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên và một số số nơi khác thuộc Nam Bộ, Nam Tây Nguyên có mưa to 50-150mm.

Ảnh hưởng lũ, lũ quét, sạt lở đất: Do ảnh hưởng mưa lớn, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận lên BĐ1-BĐ2 và một số sông trên BĐ3 như sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận).

Ngập lụt, sạt lở hạ tầng giao thông đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận) và đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Bão cũng đã gây sóng lớn, sạt lở bờ biển tại Phú Yên và Bình Thuận.

 

2. Công tác dự báo phục vụ

Ngay từ khi có dấu hiệu hình thành vùng áp thấp và sau đó là ATNĐ, ngày 22/11/2018, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã ban hành Công văn số 1229/TCKTTV - QLDB gửi các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV yêu cầu tăng cường quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo phòng chống bão, ATNĐ trên biển Đông, đặc biệt là Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, các Đài KTTV tỉnh.

Trong suốt thời gian diễn ra ATNĐ, bão, lũ, các quan trắc viên tại các trạm đã thực hiện tốt quy trình, quy phạm, mã luật, kỷ luật quan trắc, công tác đo đạc, thông tin liên lạc được duy trì hoạt động tốt. Các đơn vị dự báo đã thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình, Thông tư về công tác dự báo, cảnh báo bão và theo dõi chặt chẽ 24/24h về diễn biến của bão, phát tin dự báo, cảnh báo sớm về bão và mưa lớn, lũ, ngập lụt do bão gây ra cho các khu vực. Các thông tin dự báo, cảnh báo đã được cung cấp kịp thời, đầy đủ đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất thông tin về thiên tai cho nhân dân các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tổng cục KTTV đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trực tuyến giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia với các Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Tây Nguyên và các Đài KTTV tỉnh trong khu vực. Tham gia thảo luận có các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước nhằm đánh giá về tình hình bão, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực ảnh hưởng.

Trong các bản tin dự báo đều nhấn mạnh về khu vực ảnh hưởng của bão là Nam Trung Bộ và Nam Bộ, vùng mưa to đến rất to ngoài khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp còn mở rộng ra các tỉnh thuộc Trung Trung Bộ, Tây Nguyên; cùng với đó là cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ, sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị. Đã thực hiện các bản tin riêng cho huyện đảo Phú Quý và ngay từ sáng 24/11 đã cảnh báo cụ thể về nguy cơ ngập lụt diện rộng ở TP. Hồ Chí Minh trong ngày 25/11.

Trong cơn bão này, hệ thống quan trắc KTTV đã được huy động tối đa với đo đạc, truyền tin từng 30 phút một lần đối với các trạm thủ công và 10 phút một lần đối với các trạm tự động. Các trạm ra đa thời tiết, ảnh mây vệ tinh phân giải cao cũng đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá vị trí, cường độ của bão và ước lượng mưa do bão gây ra. Khi vùng tâm bão vào gần khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị dự báo cũng đã nhận được thông tin quan trắc về gió mạnh nhất, khí áp và độ cao sóng biển tại trạm đo ở giàn khoan dầu khí Bạch Hổ (vào thời điểm vùng tâm bão đi qua và còn cách đất liền khoảng 140km) do BCH PCTT&TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ. Các thông tin này rất quan trọng giúp cho việc đánh giá chính xác về vị trí và cường độ bão chỉ thời gian ngắn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Bộ và Đài KTTV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đưa ra khuyến nghị về việc sơ tán nhân dân ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão (ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh).

Từ ngày 19/11 đến ngày 25/11/2018, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã ban hành 39 bản tin dự báo ATNĐ/bão; 14 bản tin dự báo lũ; 10 bản tin dự báo lũ quét/sạt lở đất; 05 bản tin mưa định lượng/mưa lớn diện rộng. Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ và các Đài KTTV tỉnh đã ban hành 186 bản tin dự báo ATNĐ/bão; 14 bản tin dự báo lũ quét, sạt lở đất; 05 bản tin cảnh báo lũ; 7 bản tin mưa lớn diện rộng. Đài KTTV Trung Trung Bộ và các Đài KTTV tỉnh đã ban hành 144 bản tin dự báo ATNĐ/bão, 11 bản tin lũ, 19 bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, 29 bản tin mưa lớn diện rộng/mưa lớn định lượng. Đài KTTV khu vực Nam Bộ và các Đài KTTV tỉnh đã ban hành 466 bản tin dự báo ATNĐ/bão, mưa lớn; 04 bản tin theo dõi, cảnh báo dông, sét.

Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh đã gửi các bản tin dự báo, cảnh báo đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và truyền hình, báo, cổng thông tin điện tử của địa phương để kịp thời đưa tin về cơn bão số 9.

Đánh giá chung là các bản tin dự báo đạt chất lượng về tính kịp thời, tính đầy đủ và phù hợp thực tế về diễn biến bão trên biển, ảnh hưởng của bão trên đất liền về gió mạnh, mưa lớn, lũ, ngập lụt. Đã dự báo trước 24-48 giờ về thời gian, địa điểm bão đổ bộ và các ảnh hưởng của bão về gió mạnh, mưa lớn.

Từ ngày 19/11 đến ngày 25/11, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu đã cung cấp 23 bản tin dự báo bão, 10 bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét, 05 bản tin mưa định lượng gửi Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tham khảo. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tham gia thảo luận và gửi 02 bản tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá đến Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực tham khảo.

 

3. Nhận định tình hình trong những ngày tới

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày). Đợt mưa này có thể kéo dài đến hết ngày 27/11. Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1.

Tổng cục KTTV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai để dự báo phục vụ công tác phòng chống và phục vụ công tác khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

 

Các thông tin và diễn biến về thời tiết nguy hiểm được liên tục cập nhật trong các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV trên các website:

www.nchmf.gov.vn

www.kttvqg.gov.vn

www.thoitietvietnam.gov.vn

www.khituongvietnam.gov.vn

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền rộng rãi tới người dân và các cơ quan liên quan được biết./.

 

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay17,104
  • Tháng hiện tại179,190
  • Tổng lượt truy cập27,203,354
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây