Theo số liệu vừa được Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) công bố, nhiệt độ trung bình tháng 3-2019 cao nhất trong vòng hơn 200 năm qua và cao thứ hai trong lịch sử kể từ khi ngành khí tượng bắt đầu ghi nhận nhiệt độ Trái đất.
Cụ thể, nhiệt độ nhiều khu vực phía đông châu Âu tăng thêm 3 độ C so với mức trung bình 30 năm qua. Đặc biệt, nước Úc cũng ghi nhận tháng 3 nóng nhất trong lịch sử.
Những khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam cũng ghi nhận một mùa đông “không lạnh”, khi nhiệt độ trung bình cao hơn từ 2,1-2,5 độ C so với trung bình.
Tuy nhiên, vẫn có những khu vực cái lạnh tháng 3 khắc nghiệt hơn trung bình, chẳng hạn nhiều vùng ở Bắc Âu.
Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu của xu hướng tăng nhiệt độ là do lượng CO2 vẫn không ngừng gia tăng trên toàn cầu. WMO cho biết trong tương lai nhiệt độ thế giới vẫn sẽ còn lập nhiều “kỷ lục” mới.
Điều này gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan khác như băng tan, nước biển dâng…
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong số 17,7 triệu người di cư tham gia khảo sát, 2 triệu người cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều thiên tai như bão, lũ, hạn hán…
Trước đó, Tổ chức khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng công bố báo cáo cho thấy nhiệt độ tháng 1 và tháng 2-2019 cao thứ tư trong hơn 140 năm qua.
“Những số liệu này một lần nữa khẳng định cần gấp rút có những hoạt động chống lại biến đổi khí hậu. Không còn nhiều thời gian trì hoãn nữa” – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói.
BBT (Nguồn: Theo Tuổi Trẻ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn