Một trong những nguyên nhân hạn chế là do mạng lưới quan trắc mưa ở khu vực miền núi, vùng có nguy cơ lũ quét còn thưa, nhiều khu vực thượng nguồn các con sông, suối nhỏ không có trạm quan trắc hoặc có trạm nhưng điện báo theo chế độ thủ công 6 giờ/lần. Các dữ liệu quan trắc mưa được quan trắc và truyền liên tục, kịp thời trong mùa lũ có vai trò hết sức quan trọng cho công tác dự báo, cảnh báo lũ để ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Dữ liệu từ các trạm mưa được quan trắc và truyền số liệu tự động theo thời gian thực sẽ nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, phát hiện sớm khả năng xuất hiện lũ, lũ lên đột ngột đặc biệt tại vùng núi, thượng nguồn các hồ chứa. Các thông tin cảnh báo sớm sự xuất hiện lũ, lũ xuất hiện trong thời gian ngắn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa cũng như lập kế hoạch phòng chống lũ hạ du.
Hệ thống mạng lưới trạm đo mưa cần được phát triển cả về số lượng và chất lượng để phù hợp với xu thế phát triển hiện đại của ngành KTTV Việt Nam nói riêng, bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới nói chung, đặc biệt là phù hợp với những tiêu chuẩn, quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và tiêu chuẩn Việt Nam. Việc phát triển mạng lưới trạm đo mưa cần phải đáp ứng các yêu cầu:
Thứ nhất, hệ thống mạng lưới trạm đo mưa phải được phân bố tương đối đều khắp trên cả nước, đảm bảo số liệu quan trắc được phản ánh thực tế thông tin khí hậu, thời tiết và phân bố mưa trên toàn quốc;
Thứ hai, việc thu thập số liệu phải đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng (số liệu thời gian thực) phục vụ kịp thời công tác dự báo mưa, lũ, lụt, ngập úng và quản lý vận hành các thủy điện và hồ chứa;
Thứ ba, phải tích hợp, đồng bộ hóa được dữ liệu của hệ thống trạm đo khí tượng, đo mưa với các hệ thống hiện có (kể cả tự động và truyền thống) của ngành KTTV để tránh lãng phí cũng như nâng cao hiệu quả của công tác dự báo KTTV;
Thứ tư, phù hợp với đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Quy hoạch 90.
Thứ năm, ưu tiên phát triển hệ thống tại những vùng đầu nguồn, lưu vực sông có nhiều hồ chứa, hồ chứa lớn, khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất do mưa.
Trước mắt, cần thiết lựa chọn và đề xuất thực hiện trang bị 1.000 trạm đo mưa tự động tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên với các lý do sau:
Trong những năm gần đây lũ quét và sạt lở đất là những loại thiên tai có tần suất xảy ra rất cao, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản của nhân dân. Đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Tính từ năm 2005 đến nay đã có nhiều trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt lớn gây thiệt hại khủng khiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân ở những địa phương thuộc các khu vực này như ở Yên Bái năm 2005, Nghệ An năm 2007, Đắk Lắk năm 2007, Lào Cai năm 2008, Bắc Cạn 2009, Kon Tum 2009 và Mường La, tỉnh Lai Châu năm 2012, Mường Lát, Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa năm 2017, 2019... Nguyên nhân chính gây nên lũ quét, sạt lở đất là do mưa lớn cục bộ. Tuy nhiên mạng lưới trạm quan trắc mưa, đặc biệt là tại vùng núi, vùng thượng lưu lưu vực sông hiện nay còn rất thưa. Các trạm quan trắc mưa được phân bố không đều, ở khu vực hạ lưu, các trạm thường được xây dựng tập trung; ngược lại ở khu vực thượng lưu các lưu vực sông, là nơi hình thành dòng chảy lũ, các trạm được xây dựng thưa thớt, hoặc thậm chí ở một số khu vực còn không có trạm.
1000 trạm trạm được lựa chọn đề nghị trang bị đều thuộc các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất; những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, hầu hết thuộc khu vực miền núi, thượng nguồn các lưu vực sông, nơi không có trạm đo và thường xảy ra mưa lớn. Việc lựa chọn 1.000 trạm trang bị trong giai đoạn trước mắt nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật về dự báo, cảnh báo lũ đến các hồ chứa phục vụ chỉ đạo vận hành liên hồ chứa hiệu quả, tăng sản lượng điện, cắt giảm lũ cho hạ lưu trong mùa lũ, đảm bảo cấp nước cho hạ lưu trong mùa khô.
Với những lý do và tính cấp thiết nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án triển khai lắp đặt các điểm đo mưa tự động trên mạng lưới trạm KTTV theo Quy hoạch 90 sẽ do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Bộ chỉ thuê dịch vụ quan trắc và cung cấp số liệu đo mưa tự động hàng năm của họ để lấy số liệu phục vụ cho công tác dự báo KTTV, đặc biệt dự báo mưa, lũ, lũ quét. Phương án này, sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư và duy trì hoạt động của các trạm khi đưa vào quan trắc, sử dụng. Đề án “Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu” do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập và đề xuất là cấp thiết, phù hợp với xu thế phát triển và xã hội hóa công tác dự báo KTTV.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn