Làm rõ một số vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng cho biết, để phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo phù hợp với điều kiện nguồn lực của đất nước và xu thế quản lý các trạm theo mô hình hiện đại của một số nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thử nghiệm phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động độc lập theo hình thức thuê dịch vụ. Cho nên khi quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ này cần quy hoạch cả các trạm theo hình thức thuê dịch vụ. Đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng sẽ do các Bộ, Ngành, địa phương tự lập Kế hoạch phát triển theo nhu cầu, không phải lập Quy hoạch trong Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia.
Tổng cục KTTV – cơ quan soạn thảo lập nhiệm vụ Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng bổ sung một số nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ lập quy hoạch. Đó là, xác định mật độ trạm hợp lý đối với từng loại trạm trong nhiệm vụ quy hoạch; nghiên cứu lồng ghép tối đa mạng lưới trạm KTTV quốc gia với hạ tầng mạng lưới viễn thông, tầu biển, tầu bay và các mạng lưới khác đảm bảo nhu cầu cung cấp thông tin dữ liệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; thực hiện rà soát, đánh giá, xác định số lượng cần thiết các trạm KTTV cơ bản, các trạm giám sát để phản ánh được các đặc trưng của 7 vùng khí hậu; các lưu vực sông, vùng biển …
Một nội dung quan trọng khác được tiếp thu, chỉnh sửa là định hướng lồng ghép các trạm quan trắc tài nguyên môi trường khác vào mạng lưới quan trắc KTTV trong quá trình lập quy hoạch. Trong đó, với các trạm không cùng yếu tố quan trắc thực hiện lồng ghép theo nhu cầu của các đơn vị quản lý trạm đề xuất; với các trạm có cùng yếu tố quan trắc tập trung lồng ghép các mạng lưới quan trắc tài nguyên nước; mạng lưới quan trắc môi trường không khí và nước; mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường biển với mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia trên cơ sở rà soát đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để trạm lồng ghép thực hiện tốt được các chức năng, yêu cầu đề ra và lấy trạm quan trắc KTTV quốc gia làm nòng cốt.
Liên quan đến việc hoàn thiện Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi”, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nêu rõ, các sản phẩm của dự án phục vụ mục tiêu phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Dự án sẽ triển khai tại 22 tỉnh vùng núi và trung du nước ta (15 tỉnh đã có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất và 7 tỉnh sẽ lập bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất trong năm 2021) và 64 xã trọng điểm đã có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, hai nhiệm vụ trên đều là nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ cốt lõi của làm quy hoạch quan trắc KTTV lần này là chỉnh sửa quy hoạch. Đây là lần chỉnh sửa lớn, cũng là dịp để chúng ta thử nghiệm tất cả những gì ngành khí tượng thuỷ văn thế giới đã làm.
Thứ trưởng đề nghị khẩn trương làm ngay đánh giá nhanh về số lượng trạm KTTV vi phạm hành lang an toàn hiện nay; từ đó có thể hình dung bức tranh quy hoạch sắp tới. Song song với lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể đến năm 2025, đến năm 2030.
Thứ trưởng lưu ý, lũ quét, sạt lở đất là hai vấn đề không thể tách rời và gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng đến một xóm, một làng. Câu chuyện đặt ra là làm sao để phát hiện sớm những điểm nghẽn, phát hiện dấu hiệu của hai loại hình thiên tai nguy hiểm lũ quét, sạt lở đất trên cơ sở kết hợp khoa học với thực tiễn.
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn