Công nghệ dự báo của Việt Nam đang dần tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều công nghệ rất mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, rada... đã tạo nên chuỗi số liệu rất tốt. Cho đến nay mạng lưới trạm KTTV đã có trên 1.400 trạm, điểm đo, trong đó có: 354 trạm thủy văn, 194 trạm khí tượng, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 24 trạm khí tượng thủy văn biển, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông, 07 trạm ra đa thời tiết, 06 trạm vô tuyến thám không hiện đại, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 02 trạm thu ảnh vệ tinh phân giải cao và 755 điểm đo mưa (trong đó có 475 trạm tự động). Các công trình đo đạc, nhà quan trắc của các trạm đã được kiên cố hoá, máy móc, thiết bị đo đạc lạc hậu, thủ công đã dần được thay thế bằng các thiết bị hiện đại, tự động và bán tự động. Công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Được sự đầu tư của Nhà nước, công nghệ dự báo số đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng nghiệp vụ tại các Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và một số Đài KTTV khu vực. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương.
Bên cạnh đó Việt Nam đã và đang phối hợp với các nước chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dự báo để giúp đỡ các nước như: Lào, Campuchia... xây dựng hệ thống quan trắc nhằm khẳng định vai trò của Việt Nam cũng như có thêm số liệu dự báo. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong công tác dự báo của Việt Nam là hệ thống mạng lưới quan trắc còn thưa và “rất” thưa so với khu vực. Ngoài ra, công nghệ của hệ thống này cũng cũ so với khu vực. Tỉ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và không kịp thời, do đó công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó Việt Nam được Tổ chức khí tượng xác định là hạt nhân phát triển khu vực; từng bước khẳng định vai trò của mình, từ những bước “chập chững” đến nay Việt Nam đã rất chủ động và là trung tâm dự báo khu vực. Sắp tới, từ dự báo về bão, áp thấp nhiệt đới đến dự báo về thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, thiên tai trên biển cũng như những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối chọi, nên việc tiếp nhận được công nghệ mới là điều cần thiết cho ngành KTTV của Việt Nam
Theo ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) chia sẻ: trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng cho khí tượng thủy văn, bởi vì nó sẽ đem lại lợi ích to lớn. Tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng ngành khí tượng thủy văn, ví dụ như các trạm quan trắc ở địa phương, để từ đó theo dõi được tốt hơn lượng mưa để nâng cao chất lượng dự báo lũ quét, đồng thời kết nối được với các trung tâm dự báo toàn cầu, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của họ để hỗ trợ cho hoạt động của mình trong những năm tới đây Với sự hỗ trợ của siêu máy tính thì chúng ta hoàn toàn có thể có được chất lượng dự báo tốt hơn khi năng lực và kỹ năng của cán bộ dự báo tốt hơn. Khi muốn phục vụ cho các ngành khác nhau tốt hơn thì chúng ta phải cung cấp các sản phẩm khác nhau theo đúng nhu cầu của họ, và như vậy, chúng ta cần phải hiểu tác động của thiên tai đối với từng ngành khác nhau để từ đó, đa dạng hóa các sản phẩm của mình.
Hiện nay, công tác dự báo đang phát triển và Việt Nam mới có sự đầu tư đồng bộ trong một vài năm gần đây nên còn cần thời gian đào tạo cán bộ, làm chủ công nghệ và phải kết hợp để xây dựng công nghệ phù hợp nhất cho Việt Nam. Cán bộ ngành KTTV phải có trình độ, năng lực và được đào tạo cơ bản chính quy ở các trường chuyên ngành KTTV cho việc vận hành, sử dụng và khai thác hệ thống máy móc thiết bị phức tạp và hiện đại, nhằm đo đạc, quan trắc đầy đủ và chính xác các yếu tố khí tượng như mây, mưa, gió, nhiệt độ...; các yếu tố thủy văn như mực nước, lưu lượng nước, dòng chảy...; các yếu tố hải văn và môi trường như thủy triều, sóng biển, nhiệt độ nước biển... theo đúng quy trình. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhân lực ngành khí tượng thủy văn đang thiếu trầm trọng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việt Nam đang là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mỗi năm có trên 10 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam và khoảng 80-90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Cùng với bão, các loại thiên tai nguy hiểm khác như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, triều cường,... với tần suất, mức độ nguy hiểm, khốc liệt, khó lường thường xuyên xảy ra. Trước diễn biến khó lường của khí hậu, công tác dự báo khí tượng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nhân lực. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà ngành khí tượng thủy văn đang phải giải quyết trong thời gian tới.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn