Khí tượng thủy văn là một lĩnh vực không biên giới
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, KTTV là một lĩnh vực không biên giới. Để giảm thiểu mất mát và rủi ro do thiên tai, bên cạnh những nỗ lực của mỗi quốc gia riêng biệt, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trên toàn thế giới thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ sản phẩm dự báo và số liệu quan trắc, trao đổi chuyên môn, kiến thức về thay đổi và biến đổi khí hậu…
Thông tin đến các đối tác phát triển, ông Trần Hồng Thái cho biết, kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển ngành KTTV Việt Nam đến năm 2020” đang thể hiện rõ nét trong sự phát triển của hệ thống KTTV trên toàn quốc. Mạng lưới radar hiện đại được trang bị với 10 radar, trong đó có 7 radar được lắp đặt trong 2 năm vừa qua. Mạng lưới định vị sét hoàn chỉnh 18 trạm trên cả nước, hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống siêu máy tính đang được hoàn thiện đi vào vận hành...
Tuy nhiên, để đáp ứng được những yêu cầu về phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành KTTV còn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giai đoạn 10-20 năm tới.
Ngành KTTV Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong những năm qua, ngành KTTV đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Trong đó, cơ sở vật chất, công nghệ quan trắc giám sát khí hậu biến đổi khí hậu từng bước được nâng cao, hiện đại hóa; chất lượng cảnh báo, dự báo từng bước được cải thiện, các bản tin cảnh báo dự báo kịp thời phục vụ người dân và công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự báo cũng đã từng bước hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro nâng cao hiệu quả cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; công tác truyền tin cũng có những chuyển biến đáng kể, các bản tin thiên tai được truyền đi với nhiều hình thức sử dụng các công cụ từ truyền thống tới hiện đại, dễ dàng tiếp cận…
“Những kết quả mà ngành KTTV đã đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng sự trao đổi, hợp tác giữa Tổng cục KTTV và các đối tác phát triển không ngừng được tăng cường, mang lại những hiệu quả tích cực, tốt đẹp”- Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Thách thức mà ngành KTTV đang và sẽ phải đối mặt
Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, hiện nay ngành KTTV đang và sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất chính là biến đổi khí hậu (BĐKH). Dưới sự ảnh hưởng của BĐKH, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng lớn, tần suất ngày càng cao, khó dự báo hơn trước và gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Cùng với đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam xảy ra hàng loạt loại hình thiên tai từ bão đến dông lốc, sét, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở, nắng nóng… gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Đặc biệt, các hiện tượng rất hiếm gặp như bão và áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện cùng thời điểm, mưa rét, hạn hán kéo dài hay các thuật ngữ hiếm gặp lũ kép, đa thiên tai đang ngày càng trở nên quen thuộc. Các quy luật khí hậu đang ngày càng bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo của ngành KTTV.
Một thách thức lớn khác và không kém phần quan trọng của ngành KTTV là phải làm thế nào có thể nâng cao vai trò của ngành KTTV trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong đó, việc cung cấp các sản phẩm KTTV tới các đối tượng sử dụng trong các ngành các lĩnh vực kinh tế xã hội là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, các sản phẩm KTTV cần phải đa dạng hơn, thu hút hơn đi đúng và đi trúng nhu cầu của xã hội. Các sản phẩm không chỉ sử dụng được mà còn phải sử dụng hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các đối tượng sử dụng cần được mở rộng, không chỉ các đối tác truyền thống, các đơn vị nhà nước mà cần phải mở rộng cho các đối tác tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác là các công ty nước ngoài.
Chủ động, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ dám làm, đưa ra nhiều các giải pháp đột phá; tranh thủ và mở rộng hợp tác từ các đối tác phát triển
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để giải quyết được các thách thức nêu trên đòi hỏi bản thân những cán bộ làm trong ngành cần phải chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ dám làm, đưa ra nhiều các giải pháp đột phá, thậm chí có thể là các giải pháp có sự khác biệt đáng kể với các giải pháp truyền thống. Đồng thời phải tranh thủ và mở rộng được các đối tác phát triển, hỗ trợ về mặt công nghệ, giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính. Quan trọng hơn hết, ngành KTTV cần phải có một kế hoạch tổng thể, xác định được lộ trình rõ ràng trong giai đoạn tới phát triển thế nào, cần những nguồn lực nào, ai có thể tham gia hỗ trợ được và cơ chế thế nào để từ đó các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và cả những người sử dụng sản phẩm KTTV sẽ có cái nhìn rõ ràng từ đó có kế hoạch hỗ trợ, song hành phát triển cùng ngành.
Cùng với đó, các đối tác phát triển và các nhà đầu tư, cán bộ KTTV cần phải đánh giá được hiện trạng của ngành, xác định được những gì đang có và những vấn đề còn thiếu hụt, từ đó xây dựng được một chiến lược phát triển cụ thể, có chiều sâu trong giai đoạn từ nay cho tới 2030 tầm nhìn tới 2050. Cần phải xác định được nhu cầu đầu tư cụ thể theo từng giai đoạn từ nay tới 2030 và xa hơn nữa nhằm phát triển ngành KTTV phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Đồng thời, xác định rõ vai trò của các đối tác phát triển trong các mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành để tối ưu nguồn lực, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực.
“Mặc dù, ngành KTTV trong thời gian tới sẽ đối mặt với không ít thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin rằng với tất cả sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đối tác phát triển, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngành KTTV sẽ vượt qua được tất cả các thử thách đó, thực hiện được xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và chính phủ giao cho và trên hết là phục vụ được cho nhân dân và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Mong muốn nhận được sự hỗ trợ và tăng cường hợp tác hơn nữa với các đối tác quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc danh mục đầu tư quốc gia (World Bank) cho biết, mỗi năm Việt Nam mất đi 1% GDP do thiệt hại từ thiên tai gây ra. Theo đó, đầu tư vào hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai cần được ưu tiên vì đây sẽ là chìa khóa để giảm bớt thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai. Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực của thiết bị, công nghệ dự báo. Cùng với đó, các dự án hợp tác giữa WB và Việt Nam sẽ tiếp tục nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của Chính phủ và người dân trước thiên tai.
Ông Antonio Tedesco, Phó Đại sứ quán Italy tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta cần nỗ lực nhiếu hơn trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi từng ngày. Vì vậy cần đầu tư vào công nghệ, các hoạt động cảnh báo sớm, công nghệ hiện đại hệ thống cảnh báo, công tác giám sát. Mối đe dọa của biến đổi khí hậu không chỉ ở Việt Nam mà còn với các nước công nghiệp trên thế giới. Chúng tôi cam kết giảm 30% lượng C02 ra toàn cầu cho tới năm 2032, đồng thời tăng cường năng lực, song hành với các đối tác”.
Ông Matti Tervo, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đây cũng là xu hướng gia tăng trong tương lai, các hiện tượng thời tiết khó dự báo, nước biển dâng,.. Vì vậy, cần có sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp thiết bị, công nghệ và đào tạo nhân sự, chuyên gia cho công tác dự báo, cảnh báo.
Tại Hội nghị, Việt Nam đề xuất sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế với nhiều dự án đầu tư của ngành KTTV Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, ngành KTTV đang đề xuất các dự án trọng điểm, huy động nguồn lực để phát triển hệ thống KTTV, phục vụ tốt hơn nữa công tác dự báo, phòng tránh rủi ro thiên tai. Các dự án trọng điểm sẽ tập trung vào: Tăng cường năng lực dự báo lũ và cảnh báo sớm cho các lưu vực sông Hồng-Thái Bình và sông Mã (2022-2028); Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao và mạng lưới khí tượng nông nghiệp phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam (2020-2023); Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, và thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo cho khu vực Việt Bắc (2021-2026); Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, và thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo cho khu vực Tây Bắc (2022-2027); Mở rộng và tối ưu hóa hệ thống tích hợp hỗ trợ dự báo thời tiết và cảnh báo sớm của ngành KTTV Việt Nam (2025-2030).
BBT (Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn