Tuy nhiên, sau bão, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cả nước, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) về những mối nguy hiểm có thể xảy ra sau cơn bão này.
PV:Xin ông cho biết hướng đi của vùng áp thấp - do bão số 3 suy yếu thành - tính đến thời điểm 17h chiều 3/8?
Ông Vũ Đức Long: Lúc 17h chiều nay Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã phát tin cuối cùng về cơn bão số 3 (WIPHA). Hiện nay, tâm của vùng áp thấp nằm trên khu vực nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 06 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và tan dần.
PV:Vậy những ảnh hưởng của vùng áp thấp sẽ ảnh hưởng cực đoan đến các vùng miền như thế nào thưa ông?
Ông Vũ Đức Long: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp này nên trong đêm nay và ngày mai (04/8), ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 30-100mm/24 giờ, riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Nam Sơn La có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/24 giờ). Từ đêm 04/8 đến ngày 06/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm).
Khu vực Hà Nội: Đêm nay và ngày mai (04/8), có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm).
Do mưa lớn, trên thượng lưu các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, hạ lưu từ 1-3m; các sông tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Lục Nam, thượng lưu sông Mã đạt mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2, hạ lưu sông Mã ở mức BĐ1 và trên BĐ1; sông Thao, sông Hoàng Long, lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, sông Lục Nam ở mức BĐ1; hạ lưu sông Cả (Nghệ An) còn dưới BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các huyện sau: huyện Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông; huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu, Vân Hồ (Sơn La); huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn (tỉnh Lào Cai); huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái); huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ); huyệnMường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa); huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An).
Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các thành phố Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phủ Lý và Hà Nội.
PV:Để hạn chế thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra, các địa phương cần làm gì thưa ông?
Ông Vũ Đức Long: Diễn biến tiếp theo của hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất còn rất phức tạp, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Bắc.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Cấp ủy, Chính quyền và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương cần: Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và hệ thống dự báo địa phương;
Bên cạnh đó cần cung cấp nhanh, kịp thời các thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; và Vận động, tuyên truyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối đối với người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất,...
PV:Còn đối với người dân những khu vực bị ảnh hưởng, ông có lời khuyên gì đối với họ?
Ông Vũ Đức Long: Trước tiên với những bà con trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và cần tìm hiểu thêm về những thiên tai trong khu vực mình sinh sống, như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lụt...
Người dân cũng cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương. Đồng thời cần cập nhật thường xuyên thông tin dự báo KTTV mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng và trang bị cần thiết cho phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo.
PV:Trân trọng cám ơn ông!
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn