Người kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây. Từ đó, tạo thành sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc, dù đối tượng đó là nông dân, công nhân, những người lao động bình thường ít học hay mù chữ, đến những trí thức, bác học, văn nghệ sỹ, chính khách, những người đứng đầu các nhà nước, các đảng phái, các tôn giáo… đều có thể cảm nhận một cách gần gũi, sâu sắc, uyên thâm. Thứ nhất: Xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, cho phù hợp với từng đối tượng, nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Về vấn đề này, người khái quát có tính nguyên tắc như sau: “Nói, viết cái gì?”, “Nói, viết cho ai?”, “Nói, viết để làm gì”, “Nói, viết như thế nào?”. Cụ thể như: “Nói, viết cái gì?”, là phải đặt rõ chủ đề khi nói, khi viết. “Nói, viết cho ai?”, là nhằm vào đối tượng nào. “Nói, viết để là gì?”, là xác định mục đích của việc nói, viết. “Nói, viết như thế nào?”, là cách thể hiện bằng thể loại, bằng văn từ phù hợp. Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện, cách thể hiện làm cho nội dung nói và viết đúng chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết. Nếu không xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích và có cách thể hiện phù hợp, thì mọi bài nói, bài viết đều không có tác dụng, đều trở thành vô nghĩa. Thứ hai: Tính chân thực. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thực trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Khi nói, viết về một vấn đề gì cho một đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh luôn phản ảnh đúng sự thật, bảo đảm tính chính xác, tính chân thực của các sự kiện, vấn đề mà Người nêu ra. Để có được điều này, trước khi nói, viết, Hồ Chí Minh luôn điều tra, xem xét, nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông tin rất kỹ qua hình thức nghe, hỏi, thấy, xem, ghi chép… Bởi vậy, mỗi bài nói, bài viết của Người có tính thuyết phục rất cao với từng đối tượng. Người phê phán tính thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói với quần chúng nhân dân của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và nhà nước lúc bấy giờ. Người yêu cầu: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thật. Không nên hàm hồ, bèo nheo. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”[1]. Viết, nói phải đúng sự thật, không được bịa ra. “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”, “khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Vấn đề này, ngày nay trở thành tình trạng phổ biến trong từng địa phương, đơn vị, cá nhân, vì “bệnh thành tích”, “bệnh đối phó” nên đã lừa dối Đảng, Nhà nước và Nhân dân “làm láo, báo cáo hay”, “làm ít, sít ra nhiều”, khi vấn đề bị đỗ vỡ, bại lộ, lại đổ thừa cho khách quan, không có dũng khí nhận trách nhiệm về mình. Việc này cần phê phán và loại bỏ ngay để niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố. Thứ ba: Tính ngắn gọn. Đây là một trong những đặc trưng nổi bật trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung, thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là cô đọng, hàm súc, ý nhiều, lời ít, không có lời thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, phê bình cán bộ, đảng viên về bệnh ba hoa, nói viết vừa dài, vừa rỗng. “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết, phải chống thói đã rỗng lại dài… Chúng ta chống là chống nói dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt”[2]. Về cách nói, Người khuyên cán bộ, đảng viên nên nói ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề mà quần chúng đang quan tâm, đối tượng đang cần biết, cần hiểu, cần làm. Thứ tư: Tính trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Toàn bộ các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đều rất trong trong sáng về ý tưởng, văn phong và giản dị trong cách trình bày, thể hiện, rất dễ hiểu đối với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng ngôn từ quen thuộc mà mọi người đều hiểu được, dù là những vấn đề của cuộc sống lao động, chiến đấu, học tập hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước và thời đại. Theo Hồ Chí Minh, muốn nói, muốn viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu, thì trước hết phải học cách nói của quần chúng. Quần chúng không phải chỉ là một số cá nhân riêng lẻ, mà là số đông các tầng lớp nhân dân. Phải thấy được cái tinh túy trong cách nói của số đông ấy để học, đó là: Cách nói giản dị, thiết thực, rõ ràng, mộc mạc và chân thực, suy nghĩ của người này đi thẳng đến suy nghĩ của người khác, không màu mè, lắc léo, quanh co. Tục ngữ, ca dao, hò vè, chuyện kể…là sự thể hiện tiêu biểu nhất trong cách nói của quần chúng nhân dân đã được đúc kết qua trường kỳ lịch sử. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”[3]. Để nói, viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, Hồ Chí Minh còn chỉ ra một căn bệnh cần phải chống, đó là bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính chữ nước ngoài. Trong việc dùng chữ nước ngoài, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”. Những tiếng nước ngoài đã quen thuộc, đã “hóa thành tiếng ta”, mà không dùng là không đúng. Người ví dụ: Ta nói độc lập, chứ không nói “đứng một”; nói du kích chứ không nói “đánh chơi”;… Người chỉ rõ, lạm dụng việc dùng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng có hại, vì quần chúng không hiểu, còn dùng sai theo kiểu “xấu tay làm tốt, dốt hay nói chữ” thì “cái hại càng to”, vì đã làm vẩn đục, làm hư hỏng ngôn ngữ của dân tộc. Thực tế hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng một số tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị thích sử dụng chữ nước ngoài, nhất là tiếng Hán thay cho chữ quốc ngữ (tiếng Việt) trong các văn bản, trong khi chúng ta có đầy đủ vốn từ vựng tiếng Việt để sử dụng. Ví dụ: Sử dụng từ “dạ” thay từ “đêm” của tiếng Việt, như “dạ hội”- “đêm hội” (tiếng Việt); “hân hoan”- “ vui mừng, rất vui” (tiếng Việt); “yếu nhân”- “người quan trọng”; “yếu điểm”- “điểm quan trọng”; nhưng khi sử dụng từ “yếu thế” trong cụm từ “những người yếu thế”, lại giải thích rằng đó là những người có vị trí thấp kém, dễ bị tổn thương trong xã hội… Đây là cách sử dụng từ mâu thuẫn, trái nghĩa mà chúng ta vẫn hay thường gặp, cần phê phán, loại bỏ thói quen sính ngoại này. Trong thời đại ngày ngay, cùng với mặt tích cực do việc giao lưu, hội nhập sâu rộng của các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mang lại; sự bùng nổ thông tin trên các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho con người tiếp cận văn hóa, tri thức và những vấn đề thời sự trên thế giới nhanh hơn, rộng hơn,… nhưng mặt trái của vấn đề này cũng tác động tiêu cực không nhỏ đến mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là đối với Việt Nam chúng ta đang bị các thế lực phản động, thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Lợi dụng việc tự do thông tin, các thế lực thù địch đã, đang ra sức chống phá sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước của Đảng và Nhân dân ta. Do sự thiếu hiểu biết, do vấn đề “bội thực” thông tin, do nhẹ dạ cả tin, do bị kích động xúi giục,… một bộ phận người dân đã nghe và làm theo kẻ xấu, có những hành vi vi phạm pháp luật. Từ thực trạng này, vấn đề đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng phải kịp thời, nhạy bén trong việc nắm bắt, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương đến với quần chúng nhân dân, qua đó xây dựng ý thức, niềm tin, định hướng quần chúng nhân dân hành động; đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Để làm được điều này, yêu cầu đặt ra đối với những người làm công tác tư tưởng, với chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội phải nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực của mình, nhất là năng lực nói và viết, để qua đó thực hiện tốt khả năng diễn đạt, cung cấp, định hướng thông tin cho các giai tầng xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Học tập phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là biện pháp tốt nhất cho mỗi cán bộ, công chức làm công tác tư tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình hiện nay. ________________________________________ [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t.6, tr. 77- 78. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t.5, tr. 299- 300. [3]Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t.5, tr. 301- 304. (Theo http://www.tuyengiaokontum.org.vn) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn