Vươn sức trẻ nâng tầm hành động ứng phó biến đổi khí hậu
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” - Các bạn trẻ luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo với mong muốn góp sức phát triển xã hội, nhiệt huyết hiện thực hóa các ý tưởng đó sẽ trở thành ngọn lửa lớn khi họ mở rộng vòng tay, kết nối với nhau. Đó là chia sẻ từ những đại diện thanh niên đang tham gia xây dựng “Báo cáo Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, với mong muốn cống hiến và trăn trở về hướng đi trong tương lai.
Danh Bộ, 30 tuổi đến từ Bạc Liêu Tôi đã triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh và luân canh lúa ở quê nhà tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu hơn 2 năm nay, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu GCF. Hiệu quả về kinh tế thấy rõ, nhưng bài học quý giá hơn với tôi là làm nông theo hướng thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT) và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ năm 2021, nguồn tài trợ của dự án kết thúc nhưng tôi cho rằng, đây mới là lúc để tôi “bung” ra các ý tưởng. Trước chỉ hiểu tới đâu làm tới đó, chưa chủ động tiếp cận nguồn kiến thức thì nay tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những quy trình canh tác thuận tự nhiên có sẵn như trồng cỏ nuôi bò, lấy phân nuôi giun quế để cải tạo đất, nuôi nấm xanh ký sinh... Một vấn đề quan trọng là phải nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn nông sản sạch hoặc hữu cơ, xây dựng thương hiệu; tìm kiếm và liên kết với các kênh quảng bá, phân phối đến thị trường nông sản sạch, có đầu ra… Tôi cho rằng, thanh niên có lợi thế là trẻ tuổi, giàu năng lượng, ham học hỏi và muốn thể hiện mình. Thiếu có lẽ là ý chí. Thực tế là hiện giờ rất ít bạn trẻ gắn bó với công việc ruộng đồng, bởi lý thuyết nhiều nhưng để thực hành, rất khó. Họ cần rèn luyện thực tế nhiều hơn để hun đúc tinh thần vượt khó, chấp nhận thất bại, quyết tâm đi đến cùng với các ý tưởng của mình. Đó là những điều tôi muốn gửi gắm khi tham gia xây dựng Báo cáo Thanh niên Việt Nam ứng phó với BĐKH.
Trần Ngọc Bích, 23 tuổi đến từ Đà Nẵng Tôi chọn vấn đề phòng chống cháy rừng bởi rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giúp hấp thu khí nhà kính giảm phát thải và tạo ra sinh kế cho con người. Dự án đề ra 3 hoạt động cùng lúc hỗ trợ cho công tác phòng chống cháy rừng, đó là: Tập huấn cho người dân sống gần rừng phát hiện sớm các dấu hiệu cho thấy nguy cơ cháy rừng, báo động cho Ban Quản lý rừng và Kiểm lâm để tiến hành các giải pháp ngăn chặn; gắn chuông báo động ở các khu dân cư gần rừng để người dân chủ động phương án di tản và lắp đặt hệ thống dập lửa tự động ở những nơi nguy cơ cao, hạn chế phần nào ngọn lửa. Hiện tại, dự án mới ở giai đoạn lên ý tưởng và tôi đang cố gắng kết nối với những bạn trẻ cùng chung chí hướng để hiện thực hóa hệ thống này. Nếu có thể, tôi dự định thí điểm ở rừng Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) để kiểm chứng và hoàn thiện, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả nhất và có thể nhân rộng sau này. Quá trình tham gia các hoạt động về BVMT và ứng phó BĐKH, tôi nhận thấy người trẻ rất tích cực, có đam mê nhưng chúng tôi đều chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án và rất cần có sự hướng dẫn từ các tổ chức lớn hơn. Khó khăn lớn nhất là về tài chính. Các dự án thanh niên thường khó xin tài trợ về lâu dài, dù họ có thể thông qua các quỹ sáng kiến, các cuộc thi để có nguồn tài chính xây dựng ban đầu. Trong năm mới 2021, tôi cùng với các thành viên trong mạng lưới “Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu” sẽ cùng nhau xây dựng thêm nhiều hoạt động, đặc biệt là tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền thay đổi thói quen như giảm sử dụng nhựa dùng một lần để giảm phát thải ra môi trường, sử dụng đồ tái chế, trồng thêm nhiều cây xanh… Những hành động tuy nhỏ nhưng nếu triển khai cùng lúc ở nhiều địa phương trên cả nước sẽ tạo nên phong trào lớn, sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rộng hơn. Trần Ngọc Xuân Mai, 19 tuổi đến từ TP.HCM Quá trình tham gia viết Báo cáo, tôi nhận thấy, thanh niên Việt Nam rất năng động và có nhiều ý tưởng dự án hay. Tuy nhiên, hầu hết các bạn chưa tìm hiểu kỹ về chính sách ứng phó BĐKH của Việt Nam, và rào cản lớn nhất là trong tiềm thức, các bạn chưa nghĩ đến việc đóng góp vào chính sách vì đây là câu chuyện xa vời. Thực tế không phải vậy. Tôi đã từng tham dự Hội nghị cấp cao về BĐKH năm 2018 và trải nghiệm này đã cho tôi nhận thức khác. Thanh niên ở nhiều nước rất chủ động tìm hiểu về việc đóng góp vào chính sách ứng phó BĐKH tại quốc gia mình và quốc tế. Họ lập nên mạng lưới thanh niên, tập hợp các dự án, sáng kiến riêng về BĐKH như giảm khí thải, thích ứng nông nghiệp thuận tự nhiên, trồng cây gây rừng… và qua đó, đóng góp vào quá trình đưa ra chính sách. Một số bạn tham gia vào đoàn đàm phán của quốc gia mình, và họ cũng là thành viên mạng lưới thanh niên quốc tế ứng phó BĐKH của Liên Hợp Quốc. Thực sự, những người trẻ đó có rất nhiều tiếng nói. Tại Việt Nam, các dự án thanh niên hầu hết còn mang tính nhỏ lẻ. Ví dụ, một nhóm ở trường học, địa phương này có dự án chỉ triển khai tại địa bàn đó trong thời gian ngắn, và ở nơi khác cũng có ý tưởng tương tự, nhưng hai nơi không có kết nối. Nếu có thể gộp lại thành một dự án lớn triển khai trên nhiều địa bàn, hoạt động sẽ lớn mạnh, tác động rộng hơn và dễ thu hút tài chính hơn. Có thể nói, nội lực của các bạn thanh niên hành động vì khí hậu khá lớn và có nhiều câu chuyện thành công ở các quốc gia khác. Thanh niên Việt Nam hiện tại có nhiều ý tưởng, tất nhiên có cả hoàn thiện và chưa hoàn thiện, nhưng đều thể hiện sự quan tâm đóng góp vào công tác ứng phó BĐKH chung của quốc gia. Chúng ta nên suy nghĩ lớn, cố gắng kết nối với các bạn thanh niên trên cả nước để triển khai các dự án dài hơi và có ý nghĩa. Thông qua hoạt động xây dựng Báo cáo Thanh niên Việt Nam ứng phó với BĐKH, chúng tôi sẽ xây dựng mạng lưới và hỗ trợ các bạn thanh niên xây dựng, triển khai các ý tưởng, sáng kiến, dự án theo hướng hệ thống hóa và bài bản, có lực hơn những câu lạc bộ và hội nhóm nhỏ lẻ.