Theo TS. Đồng Thị Bích Phương, Chủ nhiệm đề tài, đề tài đã khảo sát, đánh giá các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển và các nước có điều kiện tương tự Việt Nam về chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc bản đồ và thông tin địa lý; phân tích, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ; khảo sát thực tế chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ và điều tra nhu cầu người dùng.
Sau khi triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xác định các giải pháp tổ chức, tài chính, kỹ thuật và sở hữu trí tuệ để đảm bảo chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, xây dựng Dự thảo quy định về chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ.
Theo đó, các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra quản lý hoạt động chia sẻ dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phù hợp với điều kiện hiện tại, đó là: Xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia bao gồm chính sách, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực để đảm bảo chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu không gian địa lý nói chung và dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ nói riêng.
Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư cho thu nhận, cập nhật, quản lý, cung cấp, chia sẻ dữ liệu, sản phẩm đo đạc cơ bản và chuyên ngành trên nguyên tắc hiệu quả, tránh lãng phí, đủ đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Đặc biệt, thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được thu nhận, cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời; được quản lý đảm bảo sử dụng lâu dài và khai thác, chia sẻ thuận tiện.
Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Nguyễn Phi Sơn đánh giá: Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở phục vụ xây dựng Nghị định và các quy định về chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ khoa học, phù hợp với thực tế để đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đo đạc và bản đồ.
Theo ông Nguyễn Phi Sơn, hoạt động đo đạc và bản đồ đang được thực hiện ở rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch lãnh thổ, giao thông, xây dựng, thủy lợi, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý đất đai, giáo dục đào tạo, địa chất, bảo vệ môi trường, du lịch, truyền thông, an ninh quốc phòng... Vì vậy, các quy định về chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ khoa học, phù hợp với thực tế để đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đo đạc và bản đồ của các ngành, các lĩnh vực liên quan góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu an ninh quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)