Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, để triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng trình các cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ; Quyết định số 415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ; Thông tư số 17/2018/TT-BTNMT ngày 31/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ; Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để công bố Danh mục phương tiện đo được sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ phải được kiểm định.
Bên cạnh đó, năm 2019, Cục đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, đã gửi đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự kiến trình Bộ trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2019 theo kế hoạch.
Hiện nay, Cục tổ chức xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc, thành lập bản đồ; Thông tư quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Dự kiến trình Bộ trong tháng 11 năm 2019.
Thực hiện Quyết định số 818/QĐ-BTNMT ngày 03/4/2019 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; từ ngày 01/5/2019, Cục đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện 02 thủ tục hành chính liên quan tới cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng chương trình khung bồi dưỡng kiến thức hoạt động đo đạc và bản đồ trình Bộ thẩm định; hoàn thiện xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề trình Bộ thẩm định; trình Bộ ban hành văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị công bố điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ đối với nhà đầu tư nước ngoài và Quyết định công bố thủ tục hành chính cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ trong tháng 5 năm 2019. Cùng với đó, Cục đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ;…
Đặc biệt, để triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, Cục đã tích cực xây dựng kế hoạch chi tiết về phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ; biên soạn giáo trình, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đo đạc và bản đồ, dịch sang tiếng Anh các văn bản Luật, Nghị định. Đặc biệt, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai và Bình Định tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật cũng như các văn bản quy định chi tiết Luật.
Về nội dung triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ trong các năm tiếp theo, ông Phan Đức Hiếu cho biết, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ giai đoạn 2020 đến năm 2022 đảm bảo sự phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ, cần tiếp tục rà soát và xây dựng một số văn bản cụ thể: Chiến lược Phát triển ngành đo đạc và bản đồ và Hạ tầng Dữ liệu không gian địa lý quốc gia, giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 thực hiện trong hai năm 2019-2020; các Quy định kỹ thuật, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, cập nhật dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; các Quy định kỹ thuật, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng mạng lưới tọa độ quốc gia; các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về liên quan đến hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch thi hành Luật; rà soát, kiện toàn, bố trí hợp lý đơn vị quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ;…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị cũng đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến đối với công tác triển khai các nhiệm vụ của Cục, đồng thời lãnh đạo các đơn vị cũng đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp, thực hiện nhiệm vụ được giao giữa các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, đặt nền móng cho số hoá hệ thống thông tin địa lý, Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần tích cực và chủ động trong việc tham mưu xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành Luật.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các đơn vị, ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả mà toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục đã đạt được trong thời gian qua đã có rất nhiều công sức, tâm huyết, có những tinh thần sáng tạo, quyết liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng đặc biệt ghi nhận thành tích của tập thể, cá nhân Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp rất tốt trong quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ thời gian qua.
Để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển ngành đo đạc và bản đồ trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường phối hợp, tích cực chuẩn bị để thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới; bảo đảm phân công rõ trách nhiệm tới từng đơn vị thực hiện để triển khai thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ được thông suốt, hiệu quả. Cụ thể:
Bộ trưởng giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính rà soát, tổng hợp các nhóm nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở phân công rõ ràng trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị để triển khai thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ được thông suốt, hiệu quả, đảm bảo đưa Luật Đo đạc và bản đồ đi vào cuộc sống.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để triển khai thi hành Luật đi vào cuộc sống, Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ, đặc biệt đề xuất đưa kế hoạch triển khai vào trong các Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương trong thời gian tới.
Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường, Văn phòng Bộ đảm bảo rà soát các thủ tục hành chính, thực hiện công bố theo quy định đảm bảo việc công bố thủ tục hành chính được thông suốt, rõ ràng, đặc biệt là đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua hồ sơ điện tử trực tuyến ở mức độ 4.
Về xây dựng chương trình khung và xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam hoàn thiện việc xây dựng chương trình khung về bồi dưỡng kiến thức hoạt động đo đạc và bản đồ; thành lập hội đồng thẩm định ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xây dựng. Liên quan tới việc đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục xem xét, rà soát, tận dụng các cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ để thực hiện việc đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần tích cực đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch thi hành Luật. Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, thành lập bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; xây dựng hạ tấng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trong đó tập trung tổ chức triển khai chiến lược phát triển, kế hoạch thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng dữ liệu chuyên ngành của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, pháp luật khác có liên quan; tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; …
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc rà soát, kiện toàn, bố trí hợp lý đơn vị quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản đảm bảo tính thống nhất theo Luật Đo đạc và bản đồ; đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ để đáp ứng yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường, của các địa phương, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn