Trong số 205,80 nghìn ha đất khu công nghiệp, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,...
Vùng có diện tích đất khu công nghiệp lớn nhất nước là Đông Nam Bộ với dự kiến đến năm 2030 có 59,01 nghìn ha (127 khu công nghiệp), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 28,67% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 khu công nghiệp), chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 47,93 nghìn ha (111 khu công nghiệp) chiếm 23,29%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 27,74 nghìn ha (103 khu công nghiệp) chiếm 13,48%.
Hai vùng có diện tích ít nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và Vùng Tây Nguyên chiếm 1,81%.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 chủ trương đối với các địa phương đã phát triển khu công nghiệp, việc điều chỉnh, bổ sung thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp hiện có đã được cho thuê ít nhất là 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung, đồng thời phải luận chứng rõ được sự cần thiết, tính khả thi, đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)