Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Bộ TN&MT triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về xác định địa giới hành chính do lịch sử để lại, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện việc xác định địa giới hành chính, cắm mốc, đo tọa độ, độ cao mốc địa giới hành chính, ký pháp lý và bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa tại các khu vực.
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, trong 5 năm (2014 -2019) Bộ TN&MT đã tham gia các đoàn công tác liên ngành trung ương, địa phương để khảo sát thực tế tại 16 khu vực. Trên cơ sở khảo sát, Bộ đã chuyển vẽ hiện trạng các khu vực chồng lấn địa giới hành chính lên bản đồ nền địa hình đồng thời đề xuất phương án kỹ thuật xác định địa giới hành chính giữa các địa phương tại các khu vực này. Đến nay các địa phương đã hiệp thương, thỏa thuận thống nhất tại 03 khu vực. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành 7 Nghị quyết để giải quyết dứt điểm 16 khu vực.
Hiện Cục đã hoàn thành việc thực hiện 6 Nghị quyết và bàn giao kết quả cho các địa phương có liên quan. 1 Nghị quyết còn lại đang triển khai thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021
Ông Lâm cũng cho biết thêm, trong năm 2021, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành việc xác định địa giới hành chính, cắm mốc, đo tọa độ, độ cao mốc địa giới hành chính, ký pháp lý và tổ chức bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa tại khu vực giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” được quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của Dự án là xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giữa các xã, phường, thị trấn trên đất liền và trên biển. Đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)