Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất & Khoáng sản VN cho biết, Nghị định số 67/2019/NĐ-CP có một số quy định mới so với Nghị định số 203/2013/NĐ-CP. Ví dụ, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác. Đối với từng nhóm, loại khoáng sản được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Còn quy định trước đây: “Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định theo nhóm, loại khoáng sản có giá trị từ 1% đến 5%, được thể hiện tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP”).
Về trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đối với trường hợp gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng trữ lượng theo giấy phép đã cấp trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác tính theo quyết toán thuế tài nguyên và phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Trường hợp sau khi gia hạn, nếu trữ lượng còn lại theo thực tế lớn hơn trữ lượng đã tính tiền theo giấy phép cũ thì tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
Nghị định 67/2019/NĐ-CP cũng quy định 02 trường hợp được hoàn trả lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bao gồm: Trường hợp trả lại toàn bộ mỏ, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do tổ chức, cá nhân đã nộp đối với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, nhưng chưa tiến hành khai thác hoặc khai thác chưa hết sản lượng theo tiến độ nộp tiền cấp phép khai thác.
Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép theo Điểm d Khoản 1 Điều 58 Luật khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ông Đỗ Cảnh Dương cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục đã hoàn thành và trình Bộ TN&MT phê duyệt 48 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là 2.552 tỷ đồng (số tiền nộp lần đầu trên 196 tỷ). Hiện tại, có 27/63 tỉnh, thành phố đã gửi Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là 134,9 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, đến hết tháng 6/2019 tổng số tiền cấp quyền nộp NSNN năm 2019 là 3.098 tỷ đồng, trong đó: Giấp phép do Bộ TN&MT cấp là 2.275 tỷ đồng; Giấy phép do UBND cấp là 823 tỷ đồng.
Trước khi có Nghị định số 67/2019/NĐ-CP, Nghị định 203/2013/NĐ-CP được đưa ra nhằm góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ; nơi nhiều tài nguyên khoáng sản thì được đầu tư tập trung khai thác, nơi khó khăn thì ít được khai thác. Việc đưa ra mức thu tiền cấp quyền khoáng sản còn mục đích loại bỏ những DN nhỏ lẻ, yếu kém, không có khả năng cạnh tranh; đồng thời góp phần quản lý tài nguyên khoáng sản của Quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường, phục vụ tốt hiệu quả tài nguyên đất nước….
Tuy nhiên, đối với DN thì Nghị định này được cho là “gây khó” cho DN, thậm chí có thể khiến DN đi vào còn đường phải phá sản. Họ cho rằng, trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản DN phải chịu rất nhiều chi phí như chi phí lưu thông, chi phí thăm dò, tài liệu địa chất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, thuế môn bài, thuế bảo vệ môi trường… thêm mức thuế thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ làm cho giá thành sản xuất sản phẩm rất cao, khả năng không thể cạnh tranh nổi với giá của nước ngoài đưa vào Việt Nam. Như vậy sản xuất khoáng sản sẽ gặp khó khăn và không có hiệu quả.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn