Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, trong những năm gần đây, trước nhu cầu phát triển các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời, ... các địa phương đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các dự án trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 Phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó có các khu vực dự trữ khoáng sản titan sa khoáng, cát trắng,... Song, tại Quyết định này mới chỉ phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản, chứ chưa có quy định mang tính pháp lý để triển khai các dự án trên mặt, dẫn đến việc các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt chưa thể triển khai được.
Hơn nữa, Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản dự trữ; Luật Khoáng sản cũng chưa quy định ở các khu vực dự trữ khoáng sản thì trên mặt có được triển khai các dự án kinh tế khác hay không...
Từ những vấn đề nêu trên, đặt ra vấn đề cấp thiết phải xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”.
Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định việc khoanh định khu vực dự trữ quốc gia phải căn cứ kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; đảm bảo có đủ số liệu về tài nguyên, trữ lượng, diện tích được giới hạn bởi các điểm góc có toạ độ và độ sâu xác định.
Việc dự trữ khoáng sản sẽ có thời gian dự trữ cụ thể, thời gian dự trữ khoáng sản được gia hạn khi: thời gian dự trữ còn lại không đủ vòng đời dự án; thời gian dự trữ khoáng sản được phê duyệt kết thúc, trong khi không có nhu cầu sử dụng thăm dò, khai thác thì khoáng sản đó tiếp tục gia hạn lần hai để phát triển các dự án trên mặt.
Dự thảo Nghị định cũng quy định Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong khu vực dự án. Khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép khoáng sản dự trữ thuộc phạm vi dự án phải có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Sau khi kết thúc dự án trên mặt, chủ dầu tư phải có trách nhiệm lập phương án và thực hiện phương án hoàn trả mặt bằng, cải tạo, bảo vệ môi trường, khoáng sản dự trữ chưa khai thác trước khi bàn giao đất cho địa phương với kinh phí thực hiện từ chủ đầu tư.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia, do đó, phải được quản lý, khai thác hợp lý, tiết kiệm, dự trữ cho lâu dài. Đồng thời cũng cần sử dụng có hiệu quả mặt đất tại các khu vực này nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, rà soát các pháp luật có liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia và các Bộ ngành có liên quan để Nghị định đảm bảo chất lượng, có tính khả thi đồng thời phải sát với thực tiễn để đi vào cuộc sống./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn