Một là: Đầu tư, triển khai các dự án trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cho phép đầu tư, triển khai các dự án trên mặt để quản lý sử dụng tổng hợp, hiệu quả tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản phù hợp với quy định của các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Bộ Luật dân sự...Quản lý sử dụng tổng hợp hiệu quả tài nguyên là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách của Nghị định này.
Hai là: Thời gian dự trữ khoáng sản đến 50 năm
Thời gian quy định dự trữ khoáng sản tối đa 50 năm là phù hợp với Điều 8 của Luật Quy hoạch quy định về thời kỳ quy hoạch, Điều 43 của Luật Đầu tư quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, Điều 26 của Luật Đất đai quy định về đất sử dụng có thời hạn. Thời gian dự trữ đảm bảo để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên mặt hoạt động có hiệu quả (Theo báo cáo số 90/BC-UBND ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận, các dự án điện mặt trời, điện gió có thời gian hoạt động của dự án là 25 đến 50 năm; các dự án du lịch, nghỉ dưỡng có thời gian hoạt động của dự án là 50 năm; dự án sân bay Phan Thiết có thời gian hoạt động lớn hơn 50 năm).
Ba là: Điều chỉnh khu vực dự trữ
Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản tuân thủ tiêu chí quy định tại Điều 29 Luật Khoáng sản, trong đó có các trương hợp như sau:
Khi có kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, khu vực đã được đánh giá tiềm năng khoáng sản được đưa vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có nhu cầu sử dụng khoáng sản để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản
Điều chỉnh từ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản vào khu vực dự trữ khoáng sản trong các trường hợp cụ thể, liên quan đến diện tích cần thiết, cấp bách để phát triển các dự án trên mặt nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu của Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản.
Điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản khi nhu cầu về trữ lượng khoáng sản để phục vụ cho phát triển kinh tế trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã quy hoạch không đáp ứng đủ.
Bốn là: Quản lý, bảo vệ khoáng sản ở khu vực dự trữ
Đối với khoáng sản dự trữ có tài nguyên, có chiều sâu lớn: Căn cứ vào nhu cầu sử dụng khoáng sản cần thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp, phục vụ phát triển đất nước; Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh từ khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia sang quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Ví dụ: khoáng sản dự trữ titan…. là khoáng sản đã được đánh giá có tiềm năng lớn, độ sâu phân bố từ mặt địa hình xuống tới độ sâu hàng trăm mét, không thực hiện thu hồi khoáng sản theo quy định tại Điều 65 của Luật Khoáng sản.
Đối với khoáng sản dự trữ phân bố nông, ngay trên bề mặt, khi có nhu cầu phát triển các dự án kinh tế-xã hội trên mặt. Theo từng đối tượng, quy mô, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thu hồi khoáng sản trước khi thực hiện dự án để sử dụng tối đa hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản.
Ví dụ: đối với khoáng sản titan, bauxit… có chiều dày không lớn, phân bố ngay trên bề mặt địa hình hoặc dưới lớp phủ mỏng. Để tránh lãng phí tài nguyên, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, khoáng sản, đối tượng này được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thu hồi khoáng sản theo quy định tại Điều 65 của Luật Khoáng sản.
Năm là: Trách nhiệm thực hiện dự án đầu tư trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản
Điều 26 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện dự án đầu tư ở các khu vực dự trữ khoáng sản của nhà đầu tư. Vì vậy, mục tiêu của chính sách là Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện và kết thúc dự án để vừa triển khai được dự án phát triển kinh tế trên mặt tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân địa phương, vừa sử dụng tối đa, hợp lý về tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn