Bộ TN&MT vừa cho biết, qua 10 năm triển khai thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục các bất cập, tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về địa chất,khoáng sản.
Hoàn thiện cơ chế chính sách về khoáng sản. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản. Trả lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện, bao gồm Quốc hội đã ban hành 02 Luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 cũng đã ban hành 01 Nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 535/NQ- UBTVQH13). Sau 10 năm, các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 10 Nghị định, 07 Quyết định và trên 60 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản được ban hành và có hiệu lực là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản. Luật đã thể chế hóa chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào khai thác khoáng sản; điều tiết nguồn thu từ khoáng sản để hài hòa lợi ích của “Nhà nước - Doanh nghiệp-Người dân” và địa phương nơi có khoáng sản; khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định được đầu tư; hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục các bất cập, tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở sở đó đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực địa chất khoáng sản. Đồng thời, Bộ cũng đang tiến hành kiện toàn tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ nhằm đạt được nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra của công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
Đơn giản hoá thủ tục đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản Cử tri Hà Nam cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định đơn giản hóa các loại hồ sơ, thủ tục (các phụ lục và bản vẽ kèm theo…) đối với việc thực hiện đóng cửa mỏ của các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Bộ TN&MT cho rằng, về vấn đề khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là đất san lấp đã được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/01/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp quy định “Đất, đá làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản”. Điểm b khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản quy định khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo đó, đất sét làm gạch, ngói, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin)... là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Như vậy, Luật Khoáng sản và các văn bản dưới luật đã quy định về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là đất san lấp. Về vấn đề sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản và vấn đề đơn giản hoá thủ tục đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận kiến nghị của cử tri để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản và văn bản hướng dẫn trong thời gian tới.