* Còn nhiều bất cập
Việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là rất cần thiết và vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường.Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên khắc cả nước, khiến dư luận bức xúc.
Tại Hà Tĩnh, theo phản ánh của người dân xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân và phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh có một số mỏ đã đến thời hạn phải đóng cửa nhưng vẫn hoạt động bình thường, không có động thái hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường. Trong đó có những mỏ, doanh nghiệp đã di dời khỏi địa bàn từ lâu, nhưng không tiến hành hoàn thổ. Một số doanh nghiệp khác thì làm lấy lệ, nơi dễ làm và nơi mọi người dễ nhìn thấy thì cho san lấp, trồng cây, còn những nơi khó quan sát, đường vào khó thì vẫn để nguyên.
Người dân thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng phản ánh, tại mỏ đá Lèn Chùa từng có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản. Sau hàng chục năm khai thác đá xây dựng, đến nay giấy phép khai thác đã hết hạn và doanh nghiệp đã ngừng khai thác. Tuy nhiên, hiện trường để lại là một ao nước có diện tích hàng chục nghìn m2, với độ sâu hàng chục mét.
Tương tự, tại núi Rú Rím, (huyện Nghi Lộc) từ một quả đồi xanh, sau khi bị doanh nghiệp khai thác đất thì nay trở thành quả đồi trọc, mất chức năng điều hòa không khí. Được biết, trước đó, mỏ đất Rú Rím được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho 1 doanh nghiệp tư nhân khai thái khoáng sản với diện tích 9,9 ha, thời hạn cấp phép 3 năm. Đến nay, mỏ này cũng hết phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã không tiến hành các thủ tục cần thiết để cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn và trồng cây xanh.
Người dân ở đây bức xúc, thời điểm mỏ đất đang được khai thác, người dân trong vùng khổ sở vì ô nhiễm bụi bẩn. Từ khi mỏ đất này không còn hoạt động, người dân ở đây vẫn tiếp tục chịu khổ vì bụi đất khi mùa nắng và gió to, mùa mưa thì đất đá từ trên núi rơi xuống nhà dân. Nguyên nhân là do núi Rú Rím bị xói lở, không còn cây xanh. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn đe dọa đến tính mạng. Vào 3/2019, một nhóm người dân tại địa phương đến mỏ thiếc đã đóng cửa tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để mót quặng thiếc còn sót lại thì bất ngờ mỏ thiếc bị sập khiến 3 người bị vùi lấp và tử vong. Mỏ thiếc này do 1 doanh nghiệp khai thác thiếc và đã đóng cửa từ lâu. Tuy nhiên, việc hoàn thổ sơ sài nên dẫn đến sự việc đau lòng trên.
* Cần “mạnh tay” hơn
Những điểm mỏ không được thực hiện các biện pháp hoàn thổ như san lấp, trồng cây xanh trở lại, sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.
Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.
Ông Đỗ Cảnh Dương cho biết, đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.
Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.
Tại một số địa phương, cũng đã áp dụng những biện pháp mạnh tay để “răn đe” những doanh nghiệp không chấp hành quy định. Ông Phạm Văn Hào, Trưởng phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, để buộc các doanh nghiệp khai thác đá ở mỏ đá Lèn Chùa thực hiện phương án hoàn thổ, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt là rất khó, các doanh nghiệp nói rằng không biết lấy đất, đá ở đâu để lấp đầy khu vực Lèn Chùa. Do vậy, sau khi khảo sát thực tế, UBND tỉnh buộc các doanh nghiệp thực hiện phương án lập hàng rào không để người, gia súc đi vào khu vực mỏ,
Tại Quảng Nam là địa phương có nhiều khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản, do đó, để tăng cường quản lý công tác ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, cung cấp bằng văn bản đầy đủ số liệu nộp tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường của từng doanh nghiệp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng nội dung phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp nào cố tình chậm nộp hoặc không nộp thì báo cáo UBND tỉnh xem xét đình chỉ hoạt động; Đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng nội dung Phương án đã được phê duyệt; đặc biệt các dự án khai thác đến đâu phải yêu cầu hoàn thổ đến đấy.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn