Cần đưa việc điều tra địa chất môi trường vào quy hoạch
Việc điều tra địa chất môi trường đã được thực hiện song chưa đưa vào Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, điều tra địa chất môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng.
Các nhiệm vụ điều tra địa chất môi trường tập trung vào 3 nội dung: Điều tra khoáng sản độc hại; Ô nhiễm môi trường phóng xạ; Ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản. Đến nay, đã có nhiều đề tài, dự án điều tra địa chất môi trường được tiến hành và đã thu được một số kết quả nhất định. Có thể kể đến Đề án khoanh định diện tích chứa khoáng sản độc hại và đánh giá khả năng ảnh hưởng môi trường trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) năm 2014 đã khoanh định được các diện tích chứa khoáng sản độc hại; các diện tích có nguy cơ ô nhiễm khoáng sản độc hại trên các mỏ, điểm khoáng sản độc hại thuộc 28 tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Tây Nam Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hay nhiệm vụ "Quan trắc thường xuyên môi trường phóng xạ các mỏ khoáng sản giai đoạn 2009 - 2020" đã xác lập được hiện trạng cũng như sự biến động các thành phần môi trường, trong đó đáng lưu ý đối với các mỏ phóng xạ và mỏ đất hiếm chứa phóng xạ là những loại hình khoáng sản có hàm lượng các nguyên tố phóng xạ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán các chất phóng xạ ra môi trường; thành lập 01 cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường phóng xạ. Cơ sở dữ liệu có khả năng tích hợp, lưu trữ toàn bộ các thông tin liên quan đến công tác quan trắc, tổng hợp thông tin, xây dựng đồ thị đối với từng thành phần quan trắc; trích dẫn, chiết xuất thông tin và bổ sung các thông tin mới, mới rộng (không gián hạn) đối tượng quản lý trên CSDL. Trên cơ sở đó đã cập nhật các dữ liệu được quan trắc trên 27 trạm quan trắc từ năm 2009 đến 2020 để quản lý, lưu trữ. Các Đề án đánh giá chi tiết các diện tích có nguy cơ ô nhiễm môi trường phóng xạ trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Cao Bằng, vùng Tây Bắc Việt Nam, hoàn thành năm 2020, đã bàn giao tài liệu cho chính quyền địa phương có các khu vực, diện tích chứa khoáng sản độc phóng xạ có khả năng phát tán, gây hại để quản lý, quy hoạch và phát triển bền vững kinh tế xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất.
Giai đoạn 1 của Đề án "Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1/250.000 cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam” đã chi tiết cho một số khu vực trọng điểm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận" hoàn thành năm 2020. Từ kết quả này đã thành lập được bộ Bản đồ vị trí và giá trị các thành phần phóng xạ môi trường, Bản đồ đẳng trị suất liều gamma ngoài trời (độ cao 1m và sát mặt đất), Bản đồ đẳng trị nồng độ radon ngoài trời (độ cao 1m và sát mặt đất). Kết quả thu được là tài liệu điều tra về môi trường phóng xạ, giúp cho các nhà quản lý, bảo vệ môi trường có cái nhìn tổng quát về môi trường phóng xạ thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Thuận làm cơ sở hoạch định đường lối chiến lược bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc điều tra mới dừng lại ở một số mỏ, phạm vi còn hạn chế, cần tiếp tục điều tra tại các mỏ đang khai thác, dừng khai thác để có những cảnh báo, đề xuất cụ thể các biện pháp ngăn chặn, phòng tránh, giảm thiểu tác hại của chúng. Trong lĩnh vực địa chất môi trường, các nghiên cứu địa chất phục vụ cho y học ở nước ta (sử dụng một số loại đất đá, quặng để phòng bệnh, chữa bệnh; nguy cơ nhiễm bệnh do phóng xạ, nguyên tố độc hại) hầu như còn bỏ ngỏ, chưa có sự đầu tư, nghiên cứu để đánh giá ở nước ta có tiềm năng hay không. Đây là vấn đề cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu.