* Bộ TN&MT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng một lúc hai phương án liên quan đến thủ tục hành chính, các địa phương và doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Bộ. Xin ông cho biết nội dung hai phương án này có gì khác nhau?
Ông Phan Tuấn Hùng: Việc Bộ TN&MT đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nếu như phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TN&MT được phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 thì phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1104/TTg-KSTT ngày 25/8/2021.
Hai phương án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều liên quan đến thủ tục hành chính. Một phương án có mục tiêu là tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh mà chủ yếu là thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Một phương án có mục tiêu đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của cấp trên cho cấp dưới.
Xin lưu ý thêm rằng trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 phương án nêu trên, Bộ TN&MT đã chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp thủ tục hành chính trước đó - ngay từ đầu nhiệm kỳ này. Đấy là lý do mà 02 phương án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không bao gồm các nội dung đã được thực hiện, chẳng hạn như lĩnh vực môi trường.
* Về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT, xin ông cho biết nội dung cắt giảm, đơn giản hóa cụ thể thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ. Theo phương án đã được phê duyệt, Bộ TN&MT sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 06 lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo và đa dạng sinh học.
Với phương án này, giai đoạn 2021-2025, Bộ TN&MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 82 thủ tục hành chính, trong đó: lĩnh vực đất đai là 13 thủ tục; lĩnh vực địa chất và khoáng sản là 28 thủ tục; lĩnh vực tài nguyên nước là 21 thủ tục; lĩnh vực khí tưởng thủy văn là 09 thủ tục; lĩnh vực biển và hải đảo là 10 thủ tục; lĩnh vực đa dạng sinh học là 01 thủ tục.
Riêng lĩnh vực môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; theo đó, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh của lĩnh vực môi trường đã được thực hiện đối với 52 thủ tục hành chính. Vì vậy, Quyết định số 721/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không bao gồm phương án cắt giảm, đơn giản hóa của lĩnh vực môi trường.
* Phân cấp, phân quyền được xác định là một nội dung trọng tâm, quan trọng hiện nay. Xin ông cho biết cụ thể về nội dung phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường?
Ông Phan Tuấn Hùng: Ngay đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ quan điểm đẩy mạnh phân cấp, tạo quyền chủ động, sáng tạo và tăng trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cấp dưới gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Trong giải quyết thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương phải thực hiện đẩy mạnh phân cấp theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Thực hiện phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính chắc cắn sẽ giúp rút ngắn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có 20 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính trong 05 lĩnh vực phải được phân cấp thẩm quyền giải quyết, cụ thể: lĩnh vực biển và hải đảo (10 thủ tục, nhóm thủ tục); lĩnh vực tài nguyên nước (05 thủ tục, nhóm thủ tục); lĩnh vực biến đổi khí hậu (01 thủ tục); lĩnh vực đất đai (02 thủ tục, nhóm thủ tục) và lĩnh vực địa chất và khoáng sản (07 thủ tục, nhóm thủ tục). Theo đó, xác định rõ thủ tục hành chính cụ thể được phân cấp, phân cấp từ thẩm quyền nào cho thẩm quyền nào.
Ngoài phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay Bộ TN&MT đang rà soát và dự kiến tiếp tục đề xuất phân cấp thêm cho địa phương giải quyết một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường.
* Để hiện thực hóa hai phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuộc sống, Bộ TN&MT sẽ tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng: Thực hiện hai phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT sẽ tập trung thực hiện đồng loạt việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cụ thể là dùng một văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Với cách làm này, tôi cho rằng Bộ TN&MT sẽ cơ bản thực hiện xong phương án cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025 trong nửa đầu nhiệm kỳ này.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nghị định và Thông tư tôi đề cập nêu trên được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật này sẽ có hiệu lực ngay sau khi được ban hành mà không phải chờ thời gian có hiệu lực thi hành (tối thiểu 45 ngày).
Đối với các thủ tục hành chính được quy định tại Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước thì việc thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa hay phân cấp sẽ được đưa vào dự thảo các luật này để trình Quốc hội thông qua.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Oanh (thực hiện)
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Vụ pháp chế - Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn