Sáng kiến quốc tế về khôi phục rừng và các hệ sinh thái tự nhiên

Việt Nam đã phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” trên quy mô toàn quốc trong giai đoạn 2021- 2025. Theo Đề án, Việt Nam sẽ có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn và hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Đây là một trong những hành động thiết thực nhất thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm đảo chiều sự mất mát của đa dạng sinh học. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể xem xét, học hỏi các kinh nghiệm của các quốc gia, cả những bài học thành công và thất bại để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Trồng rừng là xu hướng tất yếu trong thế giới nóng

    Trong nhiều thế kỉ qua, trên thế giới đã có rất nhiều sáng kiến ở mọi quy mô được thực hiện nhằm khuyến khích các bên tham gia trồng rừng và cây xanh với những mục tiêu, tham vọng lớn là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, các dự án này cũng thường đặt ra các mục tiêu khác về môi trường (điều tiết chu trình nước, ngăn chặn xói mòn đất và phục hồi môi trường sống của động vật hoang dã) hay các mục tiêu kinh tế, xã hội (xóa đói giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và sinh kế của cộng đồng địa phương). Một trong những minh chứng sớm nhất về trồng rừng hiện đại là phong trào “Vành đai Xanh”, được thành lập ở Kenya vào năm 1977 bởi Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004. Chiến dịch có mục tiêu ban đầu là 1 tỷ cây thông qua trang web chuyên dụng (www.unep.org/billiontreecampaign). Chiến dịch dành cho mọi đối tượng – cá nhân, nhóm trẻ em và thanh thiếu niên, trường học, nhóm cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, nông dân, tổ chức khu vực tư nhân, chính quyền địa phương và chính quyền quốc gia. Mỗi cam kết có thể là từ 1 cây đến 10 triệu cây. Chiến dịch xác định bốn khu vực trọng điểm để trồng: Rừng tự nhiên bị suy thoái và các khu vực hoang vu; trang trại và cảnh quan nông thôn; rừng trồng được quản lý bền vững; và môi trường đô thị. Hiện phong trào đã trồng hơn 50 triệu cây nhằm khôi phục môi trường và xóa đói giảm nghèo.
 

11 3 2022 2
Một phần quang cảnh thuộc dự án rừng phòng hộ chống bão cát​ tại Trung Quốc

 Bên cạnh đó, Chính phủ các quốc gia đã khởi xướng một số dự án như sáng kiến “Bức tường xanh vĩ đại” (Great Green Wall) trải dài trên 20 quốc gia châu Phi. Từ năm 2007, Liên minh châu Phi (African Union) đã tiến hành dự án Bức tường xanh vĩ đại với mục tiêu trồng một vành đai cây cối trải dài 8.000 km, kéo dài suốt từ Đông sang Tây Lục địa Đen với nội dung đến năm 2030 sẽ phục hồi 100 triệu ha đất bạc màu (trồng cây, đồng cỏ, thảm thực vật). Để thực hiện mục tiêu này đã có khoảng 8 tỷ USD được huy động và các sáng kiến quản lý, cải thiện chất lượng đất đều được xem xét và đưa vào thực hiện.

    Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, dự án đã không đạt được kết quả như mong đợi. Ngày 7/9/2020, báo cáo đầu tiên về tiến độ thực hiện dự án đã được công bố theo ủy quyền của Công ước Chống sa mạc hóa Liên hợp quốc. Đến nay dự án chỉ mới trồng cây trên 4 triệu ha (tức chỉ đạt 4%). Dự án tiến triển tốt ở Ethiopia, Senegal và Nigeria trong khi Sudan, Burkina Faso, Mali và Niger đóng góp còn khiêm tốn. Để đạt mục tiêu năm 2030 , mỗi năm phải trồng hơn 200% diện tích nêu trên với chi phí 4,3 tỉ USD. Trong bối cảnh sa mạc Sahara đã gia tăng diện tích 10% trong thế kỷ XX, dự án "Bức tường xanh vĩ đại" phải đối phó với nhiều thách thức, đó là lựa chọn cây trồng (một số vùng đã chọn cây bạch đàn vì cây phát triển nhanh nhưng bạch đàn lại không giúp đất tăng độ phì nhiêu); kinh phí không đầy đủ và tình hình an ninh (khủng bố) không ổn định.

    Một trong những bài học kinh nghiệm của châu Phi là xây dựng vành đai xanh liên tục chưa phải là ý tưởng hay vì nhiều cây được trồng tại các khu vực xa dân cư nên không được chăm sóc, thêm vào đó tình hình khí hậu ngày càng nóng lên làm cho hàng loạt cây bị chết. Do vậy, châu Phi đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề đó là tiến hành bảo tồn các cây bản địa bằng phương pháp truyền thống nhằm bảo đảm nguồn nước, đồng thời tập trung trồng các thảm thực vật và đưa các loài thực vật phù hợp với nhiều môi trường cần phục hồi khác nhau. 

    Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình trồng rừng quy mô lớn (còn gọi là "Vạn lý trường thành xanh") với kỳ vọng đến năm 2050 sẽ trồng 35,6 triệu ha cây xanh, tạo thành vành đai xanh dài 4.500 km, rộng 1.450 km ven sa mạc Gobi rộng lớn để bảo vệ ba vùng phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc khỏi bão cát và cung cấp gỗ cho địa phương. Chương trình được thực hiện qua hai hoạt động đó là sử dụng gieo hạt từ trên cao để che phủ những vùng đất rộng nơi đất ít khô cằn, và cung cấp tài chính cho nông dân trồng cây và cây bụi ở những vùng đất khô cằn hơn. Bức tường sẽ có một vành đai với thảm thực vật chịu cát được sắp xếp theo hình ô cờ để ổn định cồn cát. Một nền sỏi sẽ nằm bên cạnh thảm thực vật để giữ cát và khuyến khích lớp vỏ đất hình thành. Cây cối được dùng để chắn gió khỏi các cơn bão bụi, góp phần ngăn chặn sa mạc hóa bằng những bức tường xanh. 40 năm sau, Tổng cục Lâm nghiệp Trung Quốc báo cáo sa mạc đã thu hẹp hơn 2.400km2 mỗi năm và độ che phủ rừng đã tăng từ 12% vào năm 1978 lên gần 22%.  Ảnh vệ tinh của NASA cũng ghi nhận Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về trồng rừng. Dù vậy vẫn chưa thể xác định Trung Quốc đạt được mục tiêu ngăn chặn sa mạc hóa hay chưa, bởi lẽ quá trình phục hồi đất thường kéo dài nhiều thập niên hoặc thậm chí hàng trăm năm.

    Tuy nhiên, chương trình "Vạn lý trường thành xanh" cũng có nhiều bất cập, đó là Trung Quốc tổ chức chương trình trồng cây độc canh với mong muốn đạt chỉ tiêu nhanh chóng nên chọn trồng cây dương vì cây phát triển nhanh và chịu được mùa đông khô lạnh. Trong những năm 1990, hầu hết cây dương đã chết do bọ cánh cứng châu Á rất thích gỗ mềm. Trồng cây càng nhiều, bọ cánh cứng càng bành trướng. Các địa phương đã chỉ thị chặt hạ nhiều triệu cây nhiễm bệnh. Song một số gỗ lại được chế biến thành thùng hàng xuất khẩu để rồi từ đó ấu trùng bọ cánh cứng châu Á có cơ hội phát tán sang châu Âu và Bắc Mỹ. Vấn đề kế tiếp là trồng cây ngoại lai trên đất khô hạn, nhiều loài thực vật ngoại lai đã được du nhập vào cao nguyên Hoàng Thổ. Theo các nhà khoa học đã nghiên cứu, cây ngoại lai hấp thụ nhiều nước mưa và làm giảm lượng nước chảy ra sông, do đó có nguy cơ con người sẽ thiếu nước. Chương trình trồng rừng lâu dài và tốn kém của Trung Quốc cho thấy, trồng rừng là công việc phức tạp và tinh tế tùy thuộc vào điều kiện địa phương, đồng thời phải mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân.

    Tại Newzealand, Chính phủ đã phát triển Chương trình Một tỷ cây xanh để tăng cường trồng cây trên khắp đất nước với mục tiêu là tăng gấp đôi tỷ lệ trồng hiện tại và đạt một tỷ cây xanh được trồng vào năm 2028. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu đảm bảo cây cối được tích hợp vào cảnh quan để bổ sung và đa dạng hóa việc sử dụng đất hiện hiện có, đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi các diện tích đất lớn sang mục đích lâm nghiệp. Chương trình cung cấp nguồn tài chính cho những ý tưởng đổi mới, nghiên cứu và phát triển kĩ thuật trồng và phát triển cây xanh. Với tốc độ hiện tại, Chính phủ ước tính những người trồng rừng thương mại sẽ trồng 500 triệu cây trong giai đoạn từ nay đến 2028. Chương trình khuyến khích các bên tham gia vào việc trồng 500 triệu cây xanh khác, ngoài 500 triệu cây đã được thực hiện bởi các bên trồng rừng thương mại thông qua việc trồng những cây phù hợp ở đúng nơi, đúng mục đích. Chính phủ đảm bảo quỹ 240 triệu đô la tài trợ từ Quỹ Một tỷ cây xanh dành cho các chủ đất, các tổ chức và các nhóm cộng đồng để trồng cây và cải thiện các mô hình lâm sinh. Ngoài ra Chính phủ đã phân bổ 35 triệu đô la từ Quỹ Một tỷ cây xanh cho các sáng kiến trồng và lưu vực quy mô lớn. Khoản tài trợ này sẽ cung cấp việc làm trong các cộng đồng cho chương trình Việc làm cho Thiên nhiên trị giá 1,3 tỷ đô la.

    Không chỉ thực hiện riêng lẻ ở mỗi quốc gia, khu vực, nhiều tổ chức trên khắp thế giới cũng cam kết khôi phục rừng và các hệ sinh thái tự nhiên dưới sự bảo trợ của các hiệp định quốc tế, chẳng hạn như Chương trình “Thử thách Bonn” do chính phủ Đức và IUCN phát động năm 2011 – ghi nhận sự cam kết của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ ở 60 quốc gia nhằm khôi phục 210 triệu ha đất, với mục tiêu cuối cùng là khôi phục 350 triệu ha đất vào năm 2030. Nhiều quốc gia cũng đang xây dựng kế hoạch giảm phát thải thông qua trồng rừng và phục hồi rừng theo cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
 

11 3 2022 3
Người dân đóng bầu cây con chuẩn bị cho trồng rừng tại làng Minwoho, Cameroon

Bài học kinh nghiệm cho thế giới và Việt Nam

    Từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy để có được chương trình trồng rừng quy mô lớn thành công cần có sự đảm bảo của nguồn lực tài chính, khoa học kĩ thuật và đổi mới công nghệ, chính sách hỗ trợ quá trình trồng rừng, bảo vệ rừng và sự tham gia của xã hội. Việc trồng rừng cũng phải đi kèm với nâng cao chất lượng rừng và kết hợp cả bảo vệ diện tích rừng hiện và trồng cây mới. Việc sử dụng cơ chế thị trường làm đòn bẩy, đẩy mạnh thực thi pháp luật thực hiện các cam kết và trách nhiệm môi trường, trồng đúng cây, đúng chỗ, đúng mục đích sử dụng cũng sẽ giúp các chương trình trồng cây quy mô lớn hiệu quả hơn.

    Tuy vậy, không phải chương trình và sáng kiến nào cũng thành công và đạt được mục tiêu kì vọng như Chương trình Bức tường xanh vĩ đại mà toàn Châu Phi dự định thực hiện trồng rừng quy mô lớn đã thất bại, hoặc Chương trình Vạn lý trường thành xanh của Trung Quốc cũng đã không thành công, những sự thất bại này cũng cung cấp những bài học quan trọng cho thế giới và Việt Nam trong việc cải thiện những sáng kiến hiện có, đặc biệt về cả phương thức huy động nguồn tài chính, ứng dụng khoa học kĩ thuật và huy động nguồn lực xã hội. Cụ thể hơn, các quốc gia, bao gồm Việt Nam cần xem xét một số vấn đề then chốt trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát theo dõi các sáng kiến trồng cây và trồng rừng.

    Đảm bảo tài chính bền vững cho tất cả các giai đoạn trước và sau khi trồng cây: Huy động và đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững đóng vai trò quan trọng trong các sáng kiến trồng cây quy mô lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là đảm bảo nguồn tài chính cho giai đoạn trồng mà phải có nguồn tài chính bền vững cho quá trình chăm sóc và bảo vệ lâu dài cho cây phát triển và ổn định. Phần lớn các sáng kiến hiện nay chỉ tập trung vào giai đoạn đầu do vậy dẫn đến thất bại như Chương trình Vạn lí trường thành xanh của Trung Quốc.

    Tập trung vào số lượng hay chất lượng: Một vấn đề đáng quan tâm khác là hiện nay có nhiều sáng kiến và nguồn lực để hỗ trợ mở rộng diện tích cây trồng và trồng rừng. Tuy nhiên, việc tập trung vào số lượng dẫn đến một thực tế tuy diện tích rừng có thể tăng nhưng chất lượng rừng lại không được chú trọng và thường giảm bởi để đạt được mục tiêu trồng rừng, các quốc gia và dự án thường chọn các loại cây trồng tăng trưởng nhanh và độc canh. Điều quan trọng các quốc gia cần làm là đảm bảo các chương trình trồng cây quy mô lớn không chỉ chú trọng vào mở rộng số lượng cây được trồng và diện tích được trồng mà cả vấn đề đa dạng sinh học và hệ thống kĩ thuật lâm sinh khuyến khích mô hình đa loài đa mục đích.

    Tập trung vào trồng cây mới hay bảo vệ cả cây hiện có: Một vấn đề quan trọng nhiều nhà khoa học trên thế giới nêu ra trước thực trạng nhiều quốc gia tiến hành công bố các chương trình trồng cây quy mô lớn đó là lo ngại rằng quan tâm chính trị và ngân sách đầu tư hiện nay chỉ tập trung vào trồng cây mới mà coi nhẹ và bỏ qua sự cần thiết để bảo vệ diện tích cây trồng hiện có. Việc tạo ra quá nhiều cơ chế khuyến khích tài chính và chính sách cho trồng cây mới cũng dẫn đến thực trạng tại nhiều nơi các bên có liên quan phá rừng hiện có để thực hiện các chương trình trồng cây mới để trục lợi. Cân bằng và hài hòa hóa chính sách hỗ trợ hai mục đích là điều cần thiết để đem lại tổng thể tích cực cho vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu qua cả giữ rừng và trồng mới rừng.

    Trồng đúng cây, đúng chỗ, đúng mục đích:  Kinh nghiệm thực hiện các chương trình trồng cây quy mô lớn trên thế giới cho thấy, sự thành công của sáng kiến này phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định trồng cây nào, ở đâu với mục đích gì là phù hợp nhất. Cho tới nay, các chương trình chỉ tính tới các biện pháp lâm sinh (trồng thế nào) nhưng lại thiếu các kế hoạch tổng thế, có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu phát triển và bảo tồn lâu dài để đảm bảo sự bền vững của hệ sinh thái và diện tích cây trồng mới sẽ cung cấp nhiều dịch vụ môi trường cho xã hội và công chúng. Những thay đổi trong cách tiếp cận vừa dựa vào yếu tố sinh thái, đón đầu nhu cầu thị trường và xã hội trong tương lai sẽ giúp các chương trình trồng cây quy mô lớn hiệu quả hơn.

    Ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong việc đẩy nhanh tốc độ và diện tích trồng cây mới và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và xã hội trong việc trồng và bảo vệ cây: Ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành lâm nghiệp không còn chỉ nằm ở việc công nhân giống và cải thiện giống hay xây dựng các phần mềm và công cụ quản lí và giám sát tài nguyên rừng mà còn đòi hỏi các công nghệ hỗ trợ quá trình trồng rừng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả về kinh tế (ví dụ: trồng rừng bằng máy bay không người lái). Ngoài ra, việc xây dựng các công cụ và phần mềm trên điện thoại có thể truy xuất và gây dựng hình ảnh xã hội của người đầu tư trồng cây cũng là một lĩnh vực cần được xem xét bởi việc này gây dựng niềm tin và động lực cho rất nhiều cộng đồng trên thế giới tham gia vào trồng cây. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đang rất khan hiếm cả về nguồn lực con người lẫn nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình nghiên cứu này. Những ưu tiên nguồn lực trong tương lai về vấn đề này sẽ giúp giải quyết nhiều nút thắt trong việc thực hiện các chương trình trồng cây quy mô lớn.

    Sử dụng cơ chế thị trường làm đòn bẩy:  Có thể thấy nhiều chương trình trồng cây quy mô lớn trên toàn cầu được xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng ra tăng các sản phẩm gỗ hoặc thị trường carbon. Việc tạo ra thị trường cho các sản phẩm liên quan đến cây và dịch vụ môi trường sẽ tạo động lực kinh tế cho nhiều bên có liên quan mở rộng các hoạt động trồng cây và trồng rừng.

    Đẩy mạnh thực thi pháp luật thực hiện các cam kết và trách nhiệm môi trường: Việc các quy định quốc tế và trong nước về bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững đã khiến nhiều quốc gia, tập đoàn, và doanh nghiệp đầu tư và phát triển các chương trình trồng cây quy mô lớn. Lồng ghép các yêu cầu trồng cây vào các chính sách hiện hành (ví dụ: Luật giáo dục ở Philippine, Chương trình lâm nghiệp đô thị của Hàn Quốc và Trung Quốc, Chương trình trồng cây sau khi khai thác khoáng sản ở Australia) đã giúp nhiều chương trình trồng cây quy mô lớn được thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

  1. Alexandra EP. 2017. China’s’Great Green Wall’Fights Expanding Desert. US: NationalGeographic. https://www.nationalgeographic.com/science/article/china-great-green-wall-gobi-tengger- desertification
  2. [UNN] UN News. 2006. Campaign to plant a billion trees within a year luanched at UN climate change conference. US: UN News. https://news.un.org/en/story/2006/11/198872-campaign-plant- billion-trees-within-year-launched-un-climate-change-conference
  3. Vyawahare M. 2019. Tree-planting programs turn to tech solutions to track effectiveness. Mongobay Series: Conversation in Madagascar. https://news.mongabay.com/2019/11/tree-planting-programs- turn-to-tech-solutions-to-track-effectiveness

Nguyễn Thị Nga

Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập395
  • Hôm nay25,384
  • Tháng hiện tại126,128
  • Tổng lượt truy cập26,371,448
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây