Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Việt Nam tham dự Hội nghị COP25 về biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) được tổ chức tại Madrid, Vương quốc Tây Ban Nha các ngày từ 02 đến ngày 13 tháng 12 năm 2019. Các phiên họp nhóm trong khuôn khổ Hội nghị bắt đầu một tuần trước khi diễn ra các phiên họp chính thức của Hội nghị.

Hội nghị COP24 tại Katowice, Ban Lan năm 2018 đã thống nhất và thông qua Bộ Quy tắc khí hậu Katowice hướng dẫn các nội dung chủ yếu thực hiện Thỏa thuận Paris về các vấn đề giảm nhẹ, thích ứng và một phần về cơ chế minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó BĐKH toàn cầu. Tuy nhiên, Bản hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris này vẫn còn thiếu vắng 04 nội dung quan trọng chưa thống nhất gồm (1) các cơ chế hợp tác theo Điều 6; (2) Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); (3) thông tin đầu vào để thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu; và (4) Khung minh bạch và mức độ linh hoạt áp dụng cho một số quốc gia đang phát triển. Đây là 04 nội dung trọng tâm sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị COP25 năm nay.
 

03 12 2019 1
Toàn cảnh phiên khai mạc

Tại phiên khai mạc Hội nghị COP25 Ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết IPCC luôn nỗ lực để đưa ra các luận cứ khoa học. Các báo cáo đặc biệt của IPCC cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn dự kiến; vấn đề cắt giảm phát thải khí CO2 là vô cùng cấp thiết và việc cắt giảm phát thải khí CO2 ngay lập tức có thể lập tức thu hút sự đầu tư từ khối tư nhân. Từ đó, đóng góp tích cực cho các vấn đề về phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực. Báo cáo đánh giá lần thứ 6 (AR6) đang được xây dựng và dự kiến ban hành vào năm 2021. Báo cáo tổng hợp được ban hành năm 2022 sẽ cung cấp cho các nhà lập chính sách, các nhà đàm phán các thông tin khoa học mới nhất để chuẩn bị cho đánh giá nỗ lực toàn cầu vào năm 2023.

Ông Sebastián Piñera, Tổng thống Chi lê kêu gọi các quốc gia phải hành động ngay lúc này vì tương lai của con cháu, gia đình của chúng ta, thông qua việc cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với những cam kết tham vọng hơn.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết nếu theo xu hướng hiện nay, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng khoảng 3,4 tới 3,9 độ C vào cuối thế kỷ. Tác động của việc tăng nhiệt độ sẽ vô cùng thảm khốc, nó sẽ tác động tới tất cả sự sống trên hành tinh bao gồm sự sống của chúng ta. Chúng ta không còn thời gian và lý do để trì hoãn thực hiện các cam kết. Để hạn chế sự gia tăng1,5 độ C toàn cầu vào cuối thế kỷ, chúng ta phải giảm phát thải 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030 và chúng ta phải đạt được phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 25 gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH (VPCC); đại diện Văn phòng Chính phủ. Để rà soát công tác tổ chức và tham dự cho Đoàn Việt Nam tham dự COP25, trước đó ngày 27 tháng 11, buổi Họp đoàn kỹ thuật đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện tất cả các Bộ, ngành có thành viên tham dự COP25 Hội nghị. Tại Cuộc họp, các đại biểu đã được cập nhật, thảo luận về nội dung đàm phán biến đổi khí hậu tới thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị, trọng tâm của COP25 và dự kiến tham dự của Việt Nam. Đoàn kỹ thuật cũng đã thảo luận và thống nhất nội dung phân công tham dự, thảo luận các nội dung của COP25 cho các thành viên Đoàn Kỹ thuật như dự kiến phân công.

Như tin đã đưa Hội nghị COP 25 dự kiến được tổ chức tại Chile, tuy nhiên do tình trạng bạo lực và bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này, Tổng thống Chile Sebastián Piñera đã tuyên bố hủy đăng cai tổ chức Hội nghị APEC và Hội nghị thượng đỉnh COP 25. Sau khi chủ nhà Chile hủy bỏ đăng cai, ngày 1-11, Liên hợp quốc thông báo Hội nghị COP 25 được tổ chức tại Madrid, Vương quốc Tây Ban Nha. Mặc dù Tây Ban Nha là địa điểm tổ chức Hội nghị COP25 nhưng theo quy định của UNFCCC, Chủ tịch COP25 vẫn là Chi lê và vì vậy Chilê vẫn là nước chủ trì điều hành Hội nghị COP25 năm nay.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây