Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Năm 2020: Tạo đột phá về thể chế, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT

Năm 2020 là năm "về đích" hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Ngành tài nguyên và môi trường đặt quyết tâm cao để đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung triển khai các khâu đột phá then chốt nhất là về thế chế chính sách, pháp luật, khoa học công nghệ, hạ tầng dữ liệu gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy

Trong năm 2020, Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH. Sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về BVMT, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, đưa công tác BVMT sang giai đoạn mới, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên. Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển.

Tập trung triển khai công tác lập quy hoạch đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn kết nối với quy hoạch để tạo sự liền mạch, phát huy tiềm năng thế mạnh về tài nguyên cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập, quản lý tốt không gian ngầm và chiều cao.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Tập trung chuyển đổi số ngành TN&MT, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường cho người dân, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng không gian địa lý, các cơ sở dữ liệu TN&MT nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử. Mở rộng cung cấp dịch vụ định vị chính xác cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quản lý lãnh thổ, phát triển đô thị thông minh. Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI). Hoàn thành việc hiện đại hóa hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia công bố hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia. Xây dựng các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin về TN&MT, chia sẻ, kết nối liên thông từ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo thuận lợi trong tiếp cận thông tin của người dân; tạo lập nền tảng thông tin, dữ liệu tiến tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.

Ứng dụng mạnh công nghệ viễn thám trong giám sát và quản lý tài nguyên, môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh quốc phòng. Lập trạm Dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh (ASEAN - Ấn Độ). Từng bước xây dựng các quy định về hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của xã hội.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tạo đột phá trong phát triển ngành. Thực hiện đấu thầu đặt hàng trong nghiên cứu khoa học, đảm bảo hiệu quả thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra của ngành. Ứng dụng công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật trong quản lý TN&MT; giám sát thông minh, tự động hóa trong quan trắc mức độ ô nhiễm, các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn kết nối mặt đất với vệ tinh. Chuyển đổi các nguồn năng lượng sử dụng nguyên liệu hóa thạch sạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải rắn theo hình thức đốt rác phát điện, kết hợp thu hồi năng lượng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học trong khôi phục, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Tăng cường năng lực cán bộ, kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của xã hội trong quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chú trọng tăng cường năng lực cho cấp địa phương. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương và chủ động của địa phương. Chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của ngành. Chuẩn bị các hoạt động của ngành trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về TN&MT; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí, người dân; thay đổi thói quen tiêu dùng của xã hội, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, xây dựng ý thức BVMT trở thành nếp sống, văn hoá trong cộng đồng dân cư.

Thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư để lãng phí, hoang hóa đất đai, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại…Phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm giữa các cơ quan ở Trung ương và các địa phương để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp kéo dài.

Tập trung thực hiện các giải pháp để nguồn lực tài nguyên được giải phóng tối đa, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phân bổ quỹ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Ngành tập trung triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện sắp xếp, tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai”.

Tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước. Lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông liên tỉnh. Giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn; điều hoà, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng. Nghiên cứu các giải pháp tổng thể để trữ nước trước mắt ưu tiên những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán. Triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Chủ động tham mưu chủ trương, đối sách của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác Mê Công, Mê Công - Lan Thương về nguồn nước.

Phát huy giá trị địa chất, nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước. Sửa đổi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, Đắk Nông. Nghiên cứu dự báo các nguy cơ tai biến địa chất như sạt lở, sụt lún, động đất, giải pháp khai thác năng lượng từ bể than sông Hồng bằng phương pháp khí hoá.

Triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về biển để từng bước làm chủ biển khơi. Tập trung xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai các Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong đó ưu tiên điều tra cơ bản, nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu về biển, phát triển đội ngũ nhà khoa học; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm lượng rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái..

Tạo chuyển biến căn bản, chủ động trong công tác quản lý, BVMT, xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Triển khai lập các Quy hoạch BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Ứng dụng công nghệ để quản lý môi trường thông minh, phát huy vai trò trung tâm của người dân, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác giám sát, thực hiện BVMT. Triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải đảm bảo tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường. Triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đảm bảo tỷ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt đạt ít nhất 90%. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bằng công nghệ giám sát tự động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Đổi mới công tác dự báo, đa dạng hoá sản phẩm KTTV phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai. Ngành nâng cao chất lượng dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Dự báo diễn biến dòng chảy, thủy văn, cảnh báo sớm chi tiết đối các đợt mưa lũ lớn để chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ dự báo KTTV. Ứng dụng công nghệ, xây dựng các mô hình, phương thức hiệu quả để truyền tin, cảnh báo thiên tai.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể trong kế hoạch quốc gia ứng phó với BĐKH, tăng cường điều phối liên vùng, thực hiện chuyển đổi sản xuất quy mô lớn dựa vào điều kiện tự nhiên. Ngành tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/ 2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thực hiện một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của BĐKH như ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ,..,để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân. Xây dựng thể chế, chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; chuẩn bị cho việc triển khai thị trường các bon; ban hành kế hoạch tổng thể quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; xây dựng các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng những đóng góp do Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây