Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Khung pháp lý xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý tại Việt Nam

(TN&MT) - Sáng 11/6, tại Hà Nội, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo “Khung pháp lý xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (NSDI) tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý ở nước ta phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Khóa XIV thông qua tháng 6 năm 2018, trong đó có 6 điều (từ Điều 43 đến Điều 48) quy định về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia (NSDI); đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về Xây dựng NSDI Việt Nam. Lần đầu tiên, NSDI được pháp luật Việt Nam quy định, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai xây dựng, phát triển NSDI của nước ta.

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, Điều 43 Luật Đo đạc và Bản đồ quy định, NSDI phải bảo đảm dữ liệu không gian địa lý được chuẩn hóa, tập hợp đầy đủ từ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; được cập nhật thường xuyên để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao dân trí; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý các nước trong khu vực và quốc tế. Việc cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng dữ liệu không gian địa lý không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo ông Phan Đức Hiếu, việc xây dựng chiến lược NSDI phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo xây dựng và phát triển NSDI đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước phục vụ Chính phủ điện tử, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý giữa các bộ, ngành, địa phương. Chu kỳ xây dựng chiến lược NSDI là 10 năm.

“Về chính sách phát triển NSDI, các bộ, ngành, UBND các cấp phải sử dụng NSDI trong chính phủ điện tử, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, đất đai; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, tiếp cận và sử dụng NSDI”, Cục trưởng Phan Đức Hiếu nêu.

Liên quan đến phát triển ứng dụng, công nghệ, tập trung phát triển hoàn thiện ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh, viễn thám, đo sâu đáy biển, đảm bảo việc thu nhận, cập nhật, xử lý dữ liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả; xây dựng kiến trúc hệ thống của NSDI đảm bảo khả năng kết nối NSDI với Chính phủ điện tử, đảm bảo tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn với dữ liệu không gian địa lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo trong cung cấp và dịch vụ dữ liệu.

Ông Phan Đức Hiếu đánh giá, quy định về NSDI tại Luật Đo đạc và bản đồ, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng để xây dựng NSDI của Việt Nam; góp phần thúc đẩy lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý tại Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Kathrine Kelm, Trưởng nhóm công tác của WB cho rằng, thông đin không gian địa lý ngày càng quan trọng khi mà chúng ta nói đến mục tiêu phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương, NSDI có vai trò rất quan trọng trong cuộc các mạng 4.0, thành phố thông minh có khả năng chống chịu... hay mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường của một quốc gia.

Hiện nay, có sự phân cách ngày càng lớn giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy, nhất là khi nói đến hạ tầng dữ liệu không gian (không hiển hiện để có thể thấy bằng mắt).

“Chúng ta cần có khung toàn cầu về những gì cần quản lý đối với thông tin không gian địa lý. Nền kinh tế đang thay đổi chúng ta cần nhìn nhiều hơn vào Chính phủ điện tử, dịch vụ điện tử, thành phố thông minh...”, bà Kathrine Kelm nhấn mạnh.

Theo bà Kathrine Kelm, ở Việt Nam hiện nay gặp một số khó khăn, thách thức khi ít bộ, ngành cung cấp dữ liệu của họ cho NSDI. Trong khi,Chính sách chia sẻ dữ liệu trong toàn bộ các cơ quan Chính phủ đang được xây dựng nhưng, khi nào nó sẽ có hiệu lực?
 

11 6 2019 1
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những lợi ích kinh tế, xã hội quan trọng mà NSDI mang lại. Trong đó, đưa ra một số ứng dụng cụ thể mà NSDI có thể áp dụng. Chẳng hạn như, đối với việc chia sẻ dữ liệu tốt hơn cho tổ chức giúp giảm nhu cầu về thu thâp dữ liệu bổ sung; sử dụng dữ liệu bổ sung cho nhiệm vụ mới; phân tích dữ liệu về mặt không gian địa lý; tình huống xem dữ liệu thông thường; dễ dàng hơn trong việc tập hợp dữ liệu để giúp đưa ra quyết định.

Đối với cuộc sống thường ngày, ứng dụng của một NSDI trong giảm ùn tắc giao thông bằng cách cải thiện các tuyến xe, giao thông được trải đều hơn trên mạng lưới đường bộ. Quản lý chất thải được cải thiện thông qua phân tích mạng không gian, chọn được nơi tối ưu cho việc thu thập và xử lý chất thải. Hay phản ứng dịch vụ khẩn cấp nhanh hơn, nhờ đó xe cứu thương có thể đến các địa điểm nhanh hơn bằng cách định vị người có báo cáo khẩn cấp dễ dàng hơn...

Với những lợi ích to lớn đó, trong vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng NSDI, từ năm 2019 đến năm 2021, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam; xây dựng, tích hợp dữ liệu khung và một số dữ liệu chuyên ngành.

BBT (Nguồn: Báo TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây