Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai "văn phòng dự báo không giấy"

Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến sáng 18/3 với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu cần khẩn trương ban hành các quy định về quy trình nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn; nghiên cứu đưa kết quả định lượng mưa của Đài Khí tượng Cao không vào các mô hình dự báo thủy văn sẵn sàng cho việc triển khai "văn phòng dự báo không giấy"…
Quang cảnh cuộc họp từ đầu cầu Tổng cục KTTV

Báo cáo trực tuyến từ đầu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo viên phân tích bản đồ thời tiết dạng số; phát triển công cụ phân tích bản đồ số trên màn hình cảm ứng; có thể tắt, mở, chồng chập, hiển thị, lưu trữ theo các lớp bản đồ. Sản phẩm hiện được lưu trữ trên máy, có thể cập nhật trên website và chuyển cho các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh sử dụng.

Về xây dựng bản đồ mưa độ phân giải cao phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, các nguồn số liệu được thu thập, xử lý tự động tại Đài Khí tượng Cao không (KTCK), cung cấp cho Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Các sản phẩm về phân tích định lượng mưa trên cơ sở sử dụng số liệu ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng và số liệu đo mưa tự động cũng được trích xuất tự động.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chồng chập các lớp thông tin về ước lượng và dự báo định lượng mưa kết hợp số liệu từ Đài KTCK và sản phẩm dự báo 6-12 giờ của mô hình, số liệu phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nhằm phát hiện các vùng có nguy cơ cao, rất cao trong 6 giờ tới.

Đặc biệt, Trung tâm đã bước đầu ứng dụng hệ thống SmartMet trong nghiệp vụ với các nội dung: hiển thị tất cả các sản phẩm của các mô hình theo ý muốn của các dự báo viên; có thể tích hợp hiển thị, phân tích số liệu ô nhiễm môi trường không khí; hỗ trợ theo dõi, phân tích, dự báo một số loại hình thời tiết nguy hiểm thông qua tính toán, hiển thị, phân tích một số trường khí tượng (đường dòng, mưa, nhiệt, chỉ số bất ổn định); thực hiện tự động đưa ra dự báo điểm cho 63 tỉnh/thành phố từ sản phẩm sau khi đã hiểu chỉnh…

Đối với đánh giá chất lượng dự báo thời gian thực, sai số báo bão và áp thấp nhiệt đới, định lượng mưa thời gian thực đã được triển khai và ứng dụng trong nghiệp vụ dự báo thời tiết nguy hiểm để hiệu chỉnh các dự báo mới nhất, nâng cao độ tin cậy của các dự báo. Đồng thời, thống kê lại sai số dự báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong 5 năm gần đây và dự kiến công bố trong "Đặc điểm Khí tượng Thủy văn năm 2019". Sai số này sẽ được sử dụng để xác định bán kính vòng tròn sai số dự báo bão, ATNĐ ở các thời hạn khác nhau.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trong 10 năm qua, ngành KTTV được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã được đầu tư nhiều hệ thống trang thiết bị, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại. Ngành đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận trong phân tích bản đồ thời tiết, xây dựng bản đồ mưa độ phân giải cao phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, đánh giá chất lượng dự báo thời gian thực; đã đưa vào nghiệp vụ được hệ thống sai số dự báo bão, ATNĐ...

Để nâng cao chất lượng dự báo, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn khẩn trương ban hành các quy định về quy trình nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt, phải nghiên cứu để đưa kết quả định lượng mưa của Đài Khí tượng Cao không vào các mô hình dự báo thủy văn; rà soát, đề xuất các nội dung bảo đảm vận hành hệ thống máy móc tự động.

Bên cạnh các nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng dự báo KTTV, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục chủ động và tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc đánh giá, đề xuất các định hướng chiến lược phát triển ngành KTTV cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Đối với tình hình khô hạn đã bắt đầu lan ra đến khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Thứ trưởng yêu cầu: “Cần tiếp tục theo dõi, đánh giá vùng nào trong 1,2,3 tháng tới xảy ra mức độ thiếu nước nghiêm trọng để kịp thời cảnh báo cho người dân, chính quyền, địa phương có biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Đề nghị bộ phận dự báo dài hạn và dự báo khí hậu nghiên cứu, đánh giá giai đoạn 2021-2022 có tiếp tục thiếu nước không để có các cảnh báo sớm cho các Bộ, ngành, địa phương”./.

BBT (Nguồn: Báo TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây