Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Bộ TN&MT và Hội Nông dân Việt Nam cùng bàn giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Các Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Lều Vũ Điều và Lê Tiến Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hai cơ quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quản lý tài nguyên và môi trường có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn; do đó công tác phối hợp giữa Bộ và Hội nông dân được triển khai thực hiện từ cách đây 13 năm với nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả, thực chất trong xây dựng chính sách, pháp luật nhất là trong các lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước…

Các cấp Hội Nông dân đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều phong trào, mô hình Nông dân bảo vệ môi trường đã được phát triển, nhân rộng trên địa bàn cả nước; vai trò giám sát trong thực thi cơ chế chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường của nông dân trong công tác ngày càng được phát huy hiệu quả giúp Ngành nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo nghiên cứu, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và tính tàn phá cũng ngày càng khốc liệt hơn. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có 16 cơn bão lớn nhỏ và 04 áp thấp nhiệt đới, trong đó 06 cơn ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai với 06 cơn bão, 05 áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét, 12 trận lũ quét, sạt lở đất,..Thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn đe doạ đến tính mạng, tài sản, sinh kế cho nhân dân nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

“Đứng trước những thách thức bởi thiên tai, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất việc làm của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, đã có nhiều hoạt động khẩn trương, kịp thời, chính xác trong dự báo, cảnh báo thiên tai bởi mưa, bão, lũ, lốc xoáy, sạt lở đất; giữ vững các hồ chứa nước thủy điện; cảnh báo sớm trên kênh thông tin đại chúng để nhân dân biết và di dời chỗ ở, kịp thời phòng tránh thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Hoàn thành xây dựng và chuyển giao bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các địa phương khu vực miền núi phía Bắc; chỉ đạo lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất bảo vệ diện tích đất rừng, bố trí quỹ đất để tái định; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để di dời, tái định cư cho nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Để Hội thảo đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các diễn giả tập trung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Một là, thảo luận, đề xuất các giải pháp đồng bộ từ dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai đến xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ cảnh báo thiên tai bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, hạn hán và đề xuất giải pháp chủ động ứng phó trong đó có giải pháp quy hoạch, di dời ngay các điểm dân cư có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quyét, sạt lở, sụt lún cao. Hai là, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; nguồn lực để ứng phó, giải quyết với các nguy thiên tai được cơ quan dự báo cảnh báo để đảm bảo sự kịp thời, hiệu quả để đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân, giảm thiểu các thiệt hại về cơ sở vật chất. Ba là, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kỹ năng để nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng chủ động phòng chống thiên tai cho cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi của nông dân.

“Trên cơ sở kết quả Hội thảo ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo nhất là cảnh báo thiên tai; đề xuất với với Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách nhằm chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu nhất là tình hình lũ ống, lũ quét…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã thảo luận về các nội dung như: Thực trạng thiên tại tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc năm 2017 - 2018 và công tác cảnh báo thiên tai, phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại trong thời gian tới; Nghiên cứu, dự báo, phân vùng nguy cơ sạt lở, tai biến địa chất trong phòng chống thiên tai sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Quy hoạch kế hoạch bố trí quỹ đất phục vụ công tác định canh, định cư cho đồng bào có vùng nguy cơ sạt lở, sụt lún tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cơ chế thực hiện…

Đánh giá cao các diễn giả, các chuyên gia đã trình bày tại Hội nghị, ông Thào Xuân Sùng đánh giá: Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn vấn đề thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc để nghiên cứu, trao đổi, xác định các giải pháp căn cơ nhằm tổ chức cuộc sống định canh, định cư bền vững cho đồng bào nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - ông Thào Xuân Sùng khẳng định, các báo cáo và phát biểu đã cung cấp những thông tin quý giá và đề xuất nhiều giải pháp hữu ích để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh vùng miền núi phía Bắc nước ta phòng tránh được thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xây dựng cuộc sống thực sự bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã nhấn mạnh một số vấn đề để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực trạng thiên nhiên, địa lý, địa chất của vùng miền núi phía Bắc, nắm chắc đặc điểm tình hình xưa kia và hiện nay để xác định được một hệ thống giải pháp khả thi và đúng đắn vì yêu cầu được bền vững, vì hạnh phúc của đồng bào tại vùng này.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, điều tra, phối hợp với các ngành có liên quan để hiểu rõ đặc điểm văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Bắc để tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào nông dân định canh, định cư đạt được kết quả.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện tích cực Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ. “Để tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược này, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với UBND các tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân và vận động mọi người thực hiện thi đua yêu nước, thực hiện xanh hóa sản xuất nông nghiệp, xanh hóa lối sống ở nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.” – Ông Thào Xuân Sùng nói.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc và trình Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt Luật Phòng chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 17/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai nhằm phụ vụ cho công tác quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội.

Thứ năm, phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tăng trưởng xanh và nhân dân gắn bó với rừng, vì lợi ích của nhân dân và an ninh môi trường của đất nước.

Thứ sáu, chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức các đoàn liên ngành nhằm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành Luật Phòng chống thiên tai, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thủy văn và xây dựng các mô hình “thôn bản định canh, định cư bền vững, an toàn trước thiên tai” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
 

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Thứ bảy, tăng cường và nâng cao năng lực dự báo mưa bão, cảnh báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất cho người dân và cán bộ cơ sở. Nghiên cứu lắp đặt các trạm cảnh báo tại các địa phương có nguy cơ cao, nâng cao năng lực cho người dân tự phòng chống thiên tai một cách có hiệu quả…

Thứ tám, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và định canh, định cư bền vững. Đồng thời, đôn đốc UBND các tỉnh khẩn trương tổ chức di dời tái định cư cho bộ phận hộ dân có nguy cơ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và phấn đấu hoàn thành công tác này trong năm 2025.

Thứ chín, phối hợp nghiên cứu, đề xuất các đề án theo hướng tiết kiệm sử dụng đất, sử dụng nước, sử dụng tài nguyên với phương châm hành động là “giảm nhanh sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng nhanh trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi những con gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao”.

“Sau Hội nghị này, tôi và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở nhằm có nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững trong thời gian tới.” - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây