Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).

Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định như sau:

Sự cần thiết ban hành Nghị định

Yêu cầu về mặt pháp lý

Thứ nhất, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thanh tra 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; các nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường như: Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 23/4/2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường…

Ngày 13/5/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường với nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: (1) Nghị định số 18/2015/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đánh giá tác động môi trường chiến lược để phù hợp với Luật Quy hoạch; khắc phục các bất cập về đối tượng thực hiện ĐTM, nội dung báo cáo ĐTM, thời điểm chủ dự án trình thẩm định báo cáo ĐTM; quy định về vận hành thử nghiệm và báo cáo kết quả vận hành; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. (2) Nghị định số 19/2015/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; xác nhận hệ thống quản lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường xung quanh (nước mặt, trầm tích, không khí, đất); sửa đổi quy định BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, quy định về ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT; bãi bỏ danh mục và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… (3) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; quản lý nước thải, khí thải; quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp; bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; sửa đổi cơ bản quy định về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất… (4) Nghị định số 127/2014/NĐ-CP: Bổ sung quy định về điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh không cần thiết và không thuộc phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường… Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP với nhiều điểm mới như đã nêu trên, đòi hỏi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ hai, liên quan lĩnh vực đa dạng sinh học, ngày 12 tháng 5 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; ngày 27 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Theo đó, đã bổ sung thêm một số quy định như: không tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; cư trú trái phép; lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất; phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên và các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu bảo tồn đất ngập nước; không săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; bảo vệ sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên của các loài chim nước, chim di cư và bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; quy định về chia sẻ lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen với các bên liên quan theo quy định của Giấy phép tiếp cận nguồn gen và Hợp đồng tiếp cận nguồn gen… Việc ban hành 02 Nghị định mới trong lĩnh vực đa dạng sinh học nêu trên đòi hỏi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ ba, Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) và quy định tội phạm môi trường tại Chương XIX, bao gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý CTNH (Điều 236); Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự 3 cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240); Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 241); Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 242); Tội huỷ hoại rừng (Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).

Nhằm khắc phục những điểm hạn chế, một số lỗi kỹ thuật khác về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự 2015, ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật số 12/2017/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Theo đó, Chương tội phạm môi trường đã được sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau: (1) Chỉnh sửa các điều 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244 đối với các tội danh về môi trường, ô nhiễm môi trường; (2) Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường; (3) Quy định chi tiết, cụ thể hóa các hành vi gây ô nhiễm môi trường như: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy; xả thải, xả nước thải có thông số môi trường nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ; chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái pháp luật v.v. (4) Định lượng hóa đối với hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường một cách cụ thể hơn như: tội phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg; từ 5.000 kg đến dưới 10.000 kg....); (5) Quy định chế tài nghiêm khắc đối với các tội phạm về môi trường, trong đó có việc tăng mức phạt tiền. Ví dụ, hành vi xả ra môi trường từ 500 m3 /ngày đối với nước thải có thông số nguy hại (xử lý hành chính từ 200 triệu đến 220 triệu đối với cá nhân, từ 400 triệu đến 440 triệu đối với tổ chức; trong khi đó xử lý hình sự từ 50 triệu đến 500 triệu đối với cá nhân, từ 3 tỷ đến 7 tỷ đối với tổ chức). (6) Một số hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP mặc dù đã có quy định loại trừ trường hợp tội phạm môi trường nhưng hiện đã có hiệu lực áp dụng xử lý hình sự (tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như hành vi quy định tại các điểm k, m, l, o, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y khoản 6 và khoản 10 Điều 14; điểm v khoản 5 và khoản 6 Điều 16; điểm n khoản 9 Điều 20. Do đó, để bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đòi hỏi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan.

Về các yêu cầu phát sinh từ thực tế

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành với khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vi phạm, buộc phải dừng hoạt động…), có tính răn đe cao đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải… Ý thức BVMT của doanh nghiệp được nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.

Thứ nhất, các hạn chế, vướng mắc của Nghị định 155/2016/NĐ-CP Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay, cụ thể như sau:

Chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt như: xử phạt đối tượng là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công…;

Một số thuật ngữ, cụm từ sử dụng trong Nghị định chưa rõ cách hiểu, chưa thống nhất như: công trình bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, chất thải rắn thông thường đặc thù…

Một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi của cả Điều, chưa cụ thể nên gây lúng túng khi áp dụng trên thực tế;

Các quy định liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chưa quy định một số hành vi có xảy ra trên thực tế như: xây lắp không đúng quy định đối với công trình bảo vệ môi trường; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; không vận hành công trình xử lý chất thải; chưa quy định hành vi đối với trường hợp đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường;

Chưa quy định hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định;

Đã có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng nhưng trên thực tế khó xử phạt vì chưa có cơ chế xé vé xử phạt tại chỗ;

Chưa quy định đối với hành vi thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị;

Chưa quy định đối với hành vi chuyển giao, cho, bán, chôn lấp, đổ, thải, đốt, tiếp nhận các loại chất thải rắn thông thường đặc thù (như chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động y tế; chất thải rắn từ hoạt động xây dựng; chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi; bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại; bùn nạo vét từ kênh mương và các công trình thủy lợi; bùn nạo vét từ biển, sông, hồ và các vùng nước khác) và sản phẩm thải lỏng không nguy hại nên không có chế tài xử lý khi phát hiện các trường hợp nêu trên trong giai đoạn vừa qua.

Vướng mắc trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành biện pháp xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả. Các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện hành áp dụng không hiệu quả trên thực tế…

Thiếu một số nguyên tắc áp dụng trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường như việc xác định thải lượng nước thải quy định tại Điều 13, 14 chưa cụ thể; một số hành vi còn nhiều ý kiến không thống nhất khi xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy xác nhận hoàn thành.

Thứ hai, các tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP, kết quả cho thấy còn một số tồn tại mang tính chủ quan và khách quan như:

Tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp đã giảm đáng kể tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp, địa phương và thực tế triển khai công tác thanh tra hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy vẫn còn tình trạng có doanh nghiệp trong một năm thuộc đối tượng kiểm tra, thanh tra của nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra do các cơ quan khác nhau thành lập. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan chưa tuân thủ đúng nguyên tắc, cơ chế phối hợp theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện việc lập Kế hoạch thanh tra bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc; định hướng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường cho Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm không thanh tra, kiểm tra các đối tượng đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra không được chồng chéo với kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các cơ quan được quy định tại Điều 53 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường. Cụ thể, theo quy định, Bộ Công an định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của lực lượng Công an nhân dân cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, công khai theo quy định pháp luật; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi 6 trường tình hình, kết quả kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh định kỳ 06 tháng và hàng năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được các báo cáo nêu trên của Bộ Công an; việc báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không thường xuyên, đầy đủ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường không đủ dữ liệu, số liệu để thực hiện trách nhiệm công khai kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

Hạn chế trong quá trình triển khai các đoàn thanh tra chuyên ngành môi trường: Luật thanh tra quy định các Đoàn thanh tra phải thông báo trước, chỉ được làm việc trong giờ hành chính; trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở ngoài giờ hành chính là khá phổ biến. Các doanh nghiệp lại luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, lợi dụng quy định này để tiến hành xả trộm chất thải vào ban đêm…; chưa quy định trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra đột xuất; thiếu quy định về công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp… dẫn tới giảm hiệu lực của việc thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ thanh tra môi trường ở Trung ương và địa phương còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc xác định đối tượng vi phạm và công tác thực thi pháp luật. Vì các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về cơ chế phối hợp và nguyên tắc phân định thẩm quyền như tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP để đảm bảo không còn hiện tượng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, đảm bảo chế độ thông tin kịp thời, đầy đủ và phát huy tối đa ưu điểm, thế mạnh của lực lượng công an nhân dân là lực lượng đông, chuyên môn nghiệp vụ điều tra cao, có thể linh hoạt kiểm tra không bị hạn chế về thời gian để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mà doanh nghiệp thường cố tình che dấu, khó phát hiện như xả trộm nước thải, khí thải, đổ trộm chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định…

Quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Nghị định

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được tiến hành trên các quan điểm chỉ đạo sau:

Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các quy định pháp luật liên quan.

Bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, khoa học, tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Qua rà soát nội dung các công ước: Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 7 2001, Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng năm 1989, Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ năm 1997, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng các điều khoản quy định tại Nghị định 155/2016/NĐCP không trái với các quy định tại các công ước. Việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đảm bảo không bổ sung các quy định trái với điều ước quốc tế nêu trên.

Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung những quy định tại Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện của văn bản; đồng thời bãi bỏ các quy định không còn phù hợp.

Khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.

Kế thừa nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện hành còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2020 và dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua trong năm 2020, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP tập trung sửa đổi những Điều, khoản cho phù hợp với các quy định mới, khắc phục các bất cập bức thiết như đã nêu trên. Nghị định sửa đổi sẽ giữ nguyên một số điều hiện nay đang phát huy được tính thực tiễn cao như thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt, giữ nguyên mức xử phạt để đảm bảo tính ổn định và tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của Nghị định phục vụ việc sửa đổi toàn diện Nghị định sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực.

Đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo thi hành Nghị định. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy có một số hành vi không khả thi do không đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện như các hành vi về vi phạm quy định vệ sinh nơi công cộng (vứt rác, đầu mẩu thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng) hoặc biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm, buộc truy thu số phí trốn nộp, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… Đối với các nhóm hành vi này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, chỉnh sửa tại Dự thảo Nghị định, do đó, đối với nhóm vi phạm về vệ sinh nơi công cộng đã giảm mức xử phạt để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân, qua đó đã mở rộng nguồn lực để thực hiện, đảm bảo đủ điều kiện thực thi trên thực tế. Đối với nhóm biện pháp khắc phục hậu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sửa đổi theo hướng các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được hoặc số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp theo quy định do hành vi vi phạm hành chính. Như vậy dự thảo Nghị định đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng đảm bảo nguồn lực thực tế trong quá trình thực hiện.

Các nội dung chính của dự thảo

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

Về bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định: Dự thảo Nghị định gồm có 03 Điều và phần phụ lục, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP; Điều khoản thi hành; Trách nhiệm thi hành và phụ lục. Dự thảo sửa đổi tất cả 32 điều/62 điều và bổ sung 01 điều, trong đó sửa đổi 06/07 điều tại Chương I; sửa đổi 22/40 điều và bổ sung 01 điều tại Chương II; sửa đổi 03/13 điều tại Chương III; sửa đổi 01/02 điều tại Chương IV.

Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Chương I. Những quy định chung (các điều: 1, 2, 3, 4, 6 và 7) gồm:

Về đối tượng áp dụng của Nghị định: bổ sung, quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính). Việc bổ sung này nhằm khắc phục vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính;

Về giải thích từ ngữ: sửa đổi, bổ sung, giải thích một số từ ngữ để thống nhất trong các quy định tại Nghị định (như Bản kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, công trình bảo vệ môi trường, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, chất thải rắn thông thường đặc thù);

Về nguyên tắc áp dụng: bổ sung cách thức xác định thải lượng nước thải để xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 13, 14 của Nghị định; bổ sung nguyên 10 tắc đối với các vi phạm về nhận chìm trên biển thì áp dụng hình thức xử lý tại quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bổ sung nguyên tắc đối với vi phạm quy định về loài thực vật hoang dã, giống cây trồng, nấm, vi sinh vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chưa được quy định tại Điều 40 của Nghị định này thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; chỉ rõ một số hành vi như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện và thời hiệu xử phạt được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Về hình thức xử phạt bổ sung: bổ sung quy định đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc trường hợp có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt thống nhất với cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu trước khi ban hành quyết định xử phạt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và tình hình an ninh, trật tự khu vực khi hình thức này được áp dụng. Trường hợp cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu không thống nhất áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động đối với cơ sở thì cơ quan này có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền để xử lý bổ sung hành vi vi phạm của cơ sở theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu hoặc pháp luật khác có liên quan. Đối với hình thức tịch thu tang vật, theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng, do đó không áp dụng hình thức này tại một số điều như Điều 19, 20, 22, 23.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: bổ sung 02 biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

Về quy định sử dụng kết quả thu bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính: bổ sung quy định về cách sử dụng kết quả thu được bằng thiết bị, hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục tính trung bình ngày (24h) theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có thể được sử dụng để xác định hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích mẫu chất thải thu được tại hệ thống lấy mẫu tự động trong cùng ngày đó hoặc tổ chức quan trắc chất thải của cá nhân, tổ chức trong cùng ngày đó hoặc ngày kế tiếp. Kết quả phân tích các mẫu chất thải này là căn cứ để xác định hành 11 vi vi phạm của cá nhân, tổ chức.

Sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Chương II. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (các Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 32, 33, 34, 39, 44, 46 và bổ sung Điều 12a)

Về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường: sửa đổi, bổ sung các hành vi về việc lập, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường; bổ sung hành vi xây lắp không đúng quy định đối với công trình xử lý chất thải trong các trường hợp: giảm công suất dẫn đến không đủ khả năng xử lý chất thải phát sinh, thay đổi công nghệ, thiếu công đoạn xử lý; không thu gom triệt để dẫn đến tình trạng một lượng nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được xử lý trước khi thải ra môi trường, không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; sửa đổi làm rõ hơn yêu cầu thực hiện báo cáo ĐTM, Quyết định phê duyệt ĐTM đối với từng loại đối tượng theo từng thời kỳ của quy định pháp luật. Bổ sung các trách nhiệm mới của chủ dự án theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP như: cập nhật dự án đầu tư theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thông báo cho cơ quan nhà nước trong trường hợp thay đổi chủ dự án; rà soát, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với trường hợp trước đây không phải thực hiện thủ tục kiểm tra xác nhận hoàn thành; tiếp thu đầy đủ các nội dung, yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào dự án đầu tư, dự án đầu tư xây dựng …; Bãi bỏ các quy định không còn hiệu lực như: việc lập kế hoạch quản lý môi trường; kiểm tra việc thực hiện thu dọn lòng hồ trước khi tích nước đối với nhà máy thủy điện…

Về quy định về thực hiện đề án bảo vệ môi trường: không quy định riêng đối với các hành vi liên quan đến việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường mà được sửa đổi lồng ghép trong các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều 10 được sửa đổi thành: “Vi phạm các quy định về thực hiện Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường”.

Về quy định xử phạt đối với các cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 11, sửa đổi thành “vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường” để có căn cứ xử lý đối với các vi phạm diễn ra trong quá trình xây dựng dự án mà không có thủ tục về môi trường; bổ sung thêm hành vi đối với trường 12 hợp đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; - Về quy định xử phạt đối với dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM: bãi bỏ các hành vi này do hiện nay Nghị định số 136/2018/NĐ-CP đã bỏ điều kiện kinh doanh trường hợp tư vấn lập ĐTM, đồng thời không phù hợp với thực tiễn. Theo quy định chủ dự án chịu trách nhiệm toàn bộ về các số liệu đề cập trong báo cáo ĐTM. - Về quy định quan trắc môi trường định kỳ: xây dựng theo hướng phân ra thành các giai đoạn triển khai của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gồm: thi công xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại theo nội dung báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Về một số quy định khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Bổ sung quy định không bố trí sàn thao tác bảo đảm an toàn tại vị trí lấy mẫu khí thải, vị trí lấy mẫu khí thải, lỗ lấy mẫu khí thải theo quy định; không lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng để quan trắc lưu lượng nước thải đầu vào, đầu ra của hệ thống xử lý nước thải; không vận hành, vận hành không đúng quy trình đối với thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục; không lưu giữ số liệu quan trắc nước thải, khí thải theo quy định hoặc không truyền số liệu quan trắc về cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; không lắp đặt camera theo dõi; không đánh giá định kỳ chất lượng hệ thống quan trắc, tự động liên tục đối với nước thải, khí thải theo quy định; không khẩn trương khắc phục sự cố hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bổ sung chủ thể làng nghề vào hành vi xả nước thải vào hệ thống xử lý tập trung của khu kinh doanh, dịch vụ tập trung và điều chỉnh cách tính tiền phạt đối với hành vi này; bổ sung quy định đối với các hành vi không kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc nước thải hoặc khí thải theo quy định thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường;

Các quy định xử phạt về hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ô nhiễm môi trường: sửa đổi, bãi bỏ một số điểm tại Điều 14, 16 để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ Luật hình sự số 199/2015/QH13 (hành vi xả nước thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường vượt từ 05 lần trở lên với thải lượng nước thải từ 500 m3 /ngày trở lên và hành vi thải bụi, khí thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường với lưu lượng khí thải từ 150.000 m3 /giờ trở lên đã thuộc xử lý hình sự);

Các quy định về quản lý chất thải: giảm mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 20 về mức tiền thuộc thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ công an nhân dân hoặc trưởng công an cấp xã để tăng tính khả thi, một số hành vi có thể phạt tại chỗ không lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung hành vi đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; bổ sung quy định đối với hành vi thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị không đúng quy định về bảo vệ môi trường được áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; bổ 13 sung thêm hành vi chuyển, giao, cho, bán, tiếp nhận chất thải rắn thông thường đặc thù, sản phẩm thải lỏng không nguy hại cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; bỏ quy định về Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; bãi bỏ một số quy định tại Điều 22 do hiện nay không còn quy định đối tượng đại lý vận chuyển hoặc do một số hành vi đã được quy định tại Điều 23; bổ sung quy định về văn bản chấp thuận trước khi tiếp nhận chất thải nguy hại từ các chủ xử lý khác; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý đối với hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định tại các Điều 21, 22 và 23. - Các quy định đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng: bổ sung trách nhiệm của cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP như: không báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển; không áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 24: Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể tái xuất máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu.

Các quy định trong nhập khẩu phế liệu: bổ sung một số hành vi cho phù hợp với thực tế như: thay đổi kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thay đổi công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, công nghệ xử lý tạp chất đi kèm phế liệu mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; bãi bỏ một số quy định không có kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu theo quy định và hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật; bãi bỏ quy định về nhập khẩu ủy thác do không còn quy định; - Các quy định về bảo vệ môi trường biển: bổ sung quy định đối với hành vi về đổ thải, nhận chìm chất thải, nhận chìm vật chất xuống biển thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý môi trường biển và hải đảo.

Các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: bổ sung hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Bãi bỏ quy định về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm do quy định này được bãi bỏ tại Nghị định số 136/2018/NĐ-CP;

Các quy định xử phạt về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền: đã cập nhật, bổ sung để phù hợp 14 với quy định của các Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Chương III. Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Bổ sung thẩm quyền xử phạt cho lực lượng công an nhân dân đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 8, điểm h khoản 2 Điều 9, điểm c khoản 2 Điều 10, điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 11; sửa đổi, cập nhật các điều khoản tham chiếu tại các điểm h và điểm k khoản 1 Điều 52.

Bổ sung quy định tại Điều 56 về việc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

Sửa đổi, bổ sung tại Điều 58, quy định bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng, giảm cung cấp điện đối với hoạt động gây ô nhiễm của cơ sở bị đình chỉ, cơ sở bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực. 2.4. Sửa đổi Điều 61 tại Chương IV. Điều khoản thi hành. Bổ sung thêm khoản chuyển tiếp: Quy định các hành vi vi phạm hành chính đã được lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính của Nghị định này có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì xử phạt theo Nghị định này. Ngoài ra, đã bổ sung thêm vào danh mục các thông số môi trường nguy hại trong chất thải tại phụ lục II: Tổng dioxin/Furan trong khí thải và Tổng các kim loại nặng khác để làm căn cứ xử phạt.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

­

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây