Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Khi nước là tài nguyên không thể thiếu!

Nếu như những năm trước công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương còn bị bỏ ngỏ, đến nay, việc quản lý nước đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm và đặt lên hàng quan trọng. Bởi, đến thời điểm này, nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người.
Công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Ảnh minh họa một góc lưu vực sông

Theo báo cáo của Cục quản lý Tài nguyên nước tổng hợp của 53/63 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2017, tất cả mọi hoạt động liên quan đến quản lý tài nguyên nước đều được các địa phương thực hiện quyết liệt.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, nhất là trong việc thống kê, kiểm kê công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh...

Về công tác cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước: Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ, năm 2017 các địa phương đã cấp được 2.815 giấy phép tài nguyên nước các loại (cấp mới 87%, gia hạn 13%), trong đó cấp phép xả nước thải vào nguồn nước 1.195 giấy phép (chiếm 42%), khai thác sử dụng nước mặt 243 giấy phép (chiếm 9%), thăm dò nước dưới đất 237 giấy phép (chiếm 8%), khai thác sử dụng nước dưới đất 1.031 giấy phép (chiếm 37%), hành nghề khoan nước dưới đất 109 giấy phép (chiếm 4%). Công tác cấp phép tại địa phương đã có bước tiến mạnh mẽ.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước: Hầu hết các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh trong cả nước (85% các tỉnh) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, Thông tư 27/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ,.... Ngoài ra, các Sở tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày nước Thế giới, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng cho nhân dân qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, các phóng sự, bản tin thời sự…

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước: Các địa phương tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Theo số liệu thống kê, có tổng số 278 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 2.635 cơ sở. Tổng số tiền phạt thu về cho ngân sách nhà nước gần 17 tỷ đồng. Một số địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Khánh Hòa, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang và Cà Mau.

Về kết quả thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Tính đến ngày 15/12/2017, đã có 13 tỉnh thực hiện phê duyệt tiền cấp quyền tính tiền khai thác tài nguyên nước (Thái Bình, Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kum Tum, Đồng Tháp, Kiên Giang) đối với tổng số 801 chủ giấy phép. Các địa phương còn lại đang thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân để tiến hành kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, một số địa phương đã tổng hợp tổ chức cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Về tình hình thực hiện công tác quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước và các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước: Trong năm 2017, có 14 địa phương đã thực hiện phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn từ 2020 đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Kum Tum, Đăk Lắk, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau). Một số địa phương đang xây dựng và hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Về kết quả phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước: Theo số liệu thống kế, năm 2017 cả nước có 21 tỉnh, thành phố đã thực hiện xây dựng danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước, trong đó 15 tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước (TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu); 03 tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt (TP Hà Nội, Yên Bái và Đăk Lăk); 03 tỉnh đang xây dựng Đề cương (Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sóc Trăng).

Tuy nhiên, bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập, cho đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp Sở cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thiếu cán bộ và thiếu cán bộ có chuyên môn về tài nguyên nước là tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở cấp Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã, thành phố của hầu hết các tỉnh không có cán bộ chuyên môn về tài nguyên nước.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây