Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực Miền Trung, Tây Nguyên

Chiều ngày 29/10, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, các địa phương, các doanh nghiệp thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên về các định hướng xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi, cũng như các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho các đơn vị: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ TN&MT; Bộ Tư pháp; Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên nước; và các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
2 11 2022 5
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đồng thời, khẩn trương xây dựng dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan xây dựng học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế như: chuyên gia Úc về khan hiếm và điều hoà, phân bổ tài nguyên nước; chuyên gia Hà Lan về trữ nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và nước ngầm; chuyên gia WB về kinh tế nước; chuyên gia Pháp về quản lý tổng hợp lưu vực sông; chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu; chuyên gia Mỹ liên quan đến nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chuyên gia Ý liên quan đến điều hành, vận hành hồ chứa nước... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đã gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, để tiếp tục thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời để Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của 19 tỉnh phía Nam, 28 tỉnh phía Bắc. Hôm nay, Bộ tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật của 16 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đại biểu chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu của mình cho dự thảo Luật, tập trung vào các điểm mới của dự thảo Luật nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính đồng bộ, tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao và đi vào thực tiễn.
Trình bày các điểm mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất. Thực tế đó đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước năm 2012.
Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát, tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012, cập nhật các chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước trong các Nghị quyết làm căn cứ chính trị và cơ sở lý luận cho việc xác định cụ thể hoá những quan điểm, chủ trương, chính sách cơ bản trong dự thảo Luật. 
Về một số điểm mới và định hướng xây dựng dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.
Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước. 
Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.
Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; Quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.
Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm.
2 11 2022 6
Quang cảnh Hội thảo
Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước (Phục hồi các dòng sông, hồ, ao bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt; Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước khác; Xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ tạo cảnh quan ven sông, hồ; công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; xây dựng, vận hành công trình điều hòa, điều tiết nguồn nước). Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc ’’đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.
 Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước. 
 Bổ sung quy định về đối tượng và nội dung về thu trữ nước mưa và việc sử dụng nước mưa tại các khu vực thường xuyên hạn hán thiếu nước và vùng thường xuyên ngập lụt; quy định cơ chế, chính sách trong việc thu trữ nước mưa. 
Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông,
 Bổ sung quy định về phân vùng chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định nội dung giám sát, trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ đảm bảo giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình... nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông. 
 Bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,…tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực.
Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. 
Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất; các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ; phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước. 
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo tại miền Bắc và miền Nam, qua các Hội thảo nêu trên, nhiều đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất về các nội dung như: Về đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật theo hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông như một số nước trên thế giới. Giải trình về nội dung này, Bộ TN&MT thấy rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, các quy định của Luật Tài nguyên nước mang tính tổng hợp, được tích hợp các quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra vào một bộ luật duy nhất và giao cho một cơ quan quản lý thống nhất. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều Luật có quy định liên quan đến tài nguyên nước như Luật Thuỷ lợi, Luật Thuỷ sản, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai,... nếu bỏ những nội dung về tài nguyên nước tại các luật này để đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao cho một bộ quản lý sẽ không khả thi và gây xáo trộn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hạn chế mức thấp nhất sự giao thoa chồng chéo, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo Luật theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đã được quy định tại các Luật khác, đồng thời quy định rõ quản cái gì(?) Quản như thế nào (?) và Ai quản (?). Theo đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành như Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Về đề xuất về các nội dung chuyên môn sâu quy định trong Luật. Bộ TN&MT cũng đã nghiên cứu và cũng đã có dự thảo xây dựng nội dung có tính chất kỹ thuật nhằm hạn chế xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, qua đánh giá tác động và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước, quốc tế thì việc đưa các nội dung chuyên sâu tại các Nghị định, Thông tư hiện hành lên Luật chỉ nên thực hiện đối với các nội dung đã được áp dụng, triển khai tốt trong thực tế và ít có sự thay đổi. Đối với các nội dung còn có sự thay đổi trong thực tiễn không nên đưa vào dự thảo Luật mà cần quy định tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để có thời gian áp dụng ổn định và bảo đảm tính khả thi khi dự thảo Luật được thông qua. Do đó, những nội dung có tính chất chuyên môn, kỹ thuật hoặc những nội dung còn có thể thay đổi trong thực tiễn, cần phải hoàn thiện thêm Bộ TN&MT đề nghị chỉ quy định về nguyên tắc, còn các nội dung chi tiết sẽ được quy định trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đã phát biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) được biên tập công phu và đã cập nhật, sửa đổi các vấn đề bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung, đặc biệt là những điểm mới của dự thảo Luật, như: Rà soát, làm rõ một số khái niệm; rà soát nội dung, quy định về lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định về hành lang thoát lũ; bổ cập nước dưới đất; tái sử dụng nước thải; vấn đề tổ chức lưu vực sông;  phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; công tác phân cấp quản lý tài nguyên nước tại các địa phương;....
Phát biểu giải trình các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh thay mặt cơ quan soạn thảo bày tỏ sự cám ơn những ý kiến đóng góp có ý nghĩa và quý báu đối với dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) để cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện. Trong quá trình xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT luôn nhất quán quan niệm, Chính phủ quản lý thống nhất tài nguyên nước. Theo đó, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã cố gắng đưa tất cả những nội dung quản lý vào dự thảo, và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương và các công việc cần phải làm nhằm thúc đẩy quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình xây dựng dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng. Đến nay, các chính sách lớn đã được thể hiện ở trong dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, ông Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục rà soát các Luật, Bộ Luật liên quan, các công ước quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); rà soát kỹ sự phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn các đại biểu đã đóng góp các ý kiến tâm huyết, mang tầm bao quát và gắn với thực tiễn công tác thực thi chính sách tài nguyên nước tại địa phương. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các địa biểu tại Hội thảo, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Bộ TN&MT rất vui mừng và cám ơn các đại biểu đã thẳng thẳn đóng góp ý kiến để ngành tài nguyên nước ngày một phát triển bền vững và ổn định hơn.
 
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây