Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


An toàn hồ, đập–chủ động để phòng ngừa sự cố

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa nước; trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 22 về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Ông Phạm Trọng Thực (trái) và ông Đồng Văn Tự (giữa) tại tọa đàm

Việc quản lý hồ đập nước ta ra sao? Các giải pháp nào để đảm bảo an toàn các hồ đập đồng thời nâng hiệu quả của các hồ đập này? Tại buổi toạ đàm “Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước” trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích.

Hiện nay cả nước có 6.648 hồ chứa nước, trong đó có 702 hồ chứa lớn, trên 5.000 hồ chứa vừa và nhỏ, trong đó, có những hồ chứa đã khai thác 40-50 năm, có những hồ chứa mới xây dựng gần đây. Về thực trạng quản lý an toàn, hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và Bộ Công Thương quản lý an toàn nước, hồ chứa nước thủy điện.

* Vai trò của hồ chứa trong giảm, cắt lũ

Liên quan đến nghi ngại việc lũ lớn tại Chương Mỹ vừa qua có phải do thủy điện xả lũ, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, ảnh hưởng của đợt lũ lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) vừa rồi không phải do xả lũ thủy điện. Thứ nhất, trong lưu vực của sông Bùi không có hồ chứa thủy điện nào. Thứ hai là dưới hạ du, việc xả lũ ở thủy điện Hoà Bình không ảnh hưởng gì đến hạ du của sông Đáy.Nguyên nhân gây ra lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) trong đợt tháng 7 vừa qua có 2 trận mưa liên tiếp, gần 1.200 mm. Đợt đầu chưa kịp thoát hết thì đợt sau lại có trận mưa lớn. Cùng với địa hình ở vùng này ngắn và dốc, nên lũ tập trung nhanh, chưa thoát kịp đã có trận lũ nữa nên lũ chồng lũ.

Nói rộng ra, về nguyên tắc, đối với những hồ chứa được thiết kế có nhiệm vụ cắt giảm lũ mới cắt giảm lũ được. Ví dụ trên lưu vực các bậc thang thủy điện sông Đà, Sơn La, Hòa Bình, chúng ta có thiết kế nhiệm vụ cắt lũ là chính, cắt khoảng được 7 tỷ m3.Chúng ta cũng tạo dung tích đón lũ cộng với dung tích phòng lũ theo thiết kế để khi có lũ lớn sẽ giữ lượng nước trong hồ và xả một ít về hạ du.

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng là cắt giảm lũ. Chỉ những hồ nào trong thiết kế ban đầu có cắt giảm lũ, có dung tích phòng lũ hồ đó mới có chức năng cắt giảm lũ trong điều kiện lũ lụt. Một số hồ lớn ở miền Bắc và Đông Nam Bộ có quy trình như vậy. Một số hồ đập ở miền Trung do địa hình sông suối dốc, ngắn, chạy thẳng ra biển nên chủ yếu những nhà máy đó tận dụng chiều cao của nước để lấy dung tích phát điện là chính chứ không phải dung tích phòng lũ.

Ông Đồng Văn Tự cho biết, các hồ chứa nằm trong 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Các hồ chứa vừa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa của hồ đó, vừa phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Các quy trình này quy định rất rõ từ việc quan trắc, dự báo, tính toán để xác định lưu lượng đến hồ, hỗ trợ công tác chỉ đạo vận hành liên kết. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thông báo, quyết định việc vận hành xả lũ trong tình huống bình thường, tình huống bất thường và việc phòng chống thiên tai được quy định rất rõ.

Theo ông Phạm Trọng Thực, trong quá trình điều hành xả lũ hoặc điều tiết về lũ, các vấn đề liên quan đến đập thủy điện trong mùa lũ thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu, lưu lượng như thế nào. Bộ NN&PTNT quyết định điều chỉnh liên hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Với những quy trình tương đối chặt chẽ như vậy, trong quá trình làm việc và thông tin giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTT và các chủ hồ thì tôi tin rằng việc xả lũ của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và thực hiện tốt được mục tiêu các nhà máy thủy điện đặt ra.

* An toàn tại các đập thủy điện, các hồ chứa lớn

Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý an toàn hồ đập thủy lợi, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý an toàn hồ, đập thủy điện; UBND các tỉnh có trách nhiệm quản lý an toàn các hồ đập trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác có trách nhiệm kiểm tra, giám sát an toàn hồ, đập. Đầu tháng 9 này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Chia sẻ về an toàn của hai thủy điện lớn là Hòa Bình và Sơn La, ông Đồng Văn Tự cho biết, thủy điện Hòa Bình đã khai thác được gần 40 năm, công trình này trong thiết kế và thi công nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Liên Xô (trước đây) và được thiết kế theo tiêu chuẩn rất an toàn, tương đương với chất lượng của các nước tiên tiến.

Thủy điện Sơn La thì mới làm những năm gần đây, công trình này có sự đầu tư rất lớn của các đơn vị ngành điện, được thiết kế và thi công đảm bảo an toàn. Hằng năm, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá an toàn thủy điện trên các đập trên sông Đà gồm thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để quyết định các giải pháp sửa chữa, khắc phục hoặc tính nước để đảm bảo an toàn. Hội đồng này có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, các Thứ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng này. Các đơn vị quản lý của các thủy điện này là các đơn vị có năng lực tương đối tốt.

Về vấn đề an toàn hạ du, trong các hồ trên bậc thang thủy điện Hòa Bình vận hành theo quy trình liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên lưu vực sông Hồng. Các quy trình này trong tình huống có thiên tai thì có sự tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và giúp việc cho Ban Chỉ đạo có khoảng 7 đơn vị tư vấn giúp tính toán để hỗ trợ cho công tác vận hành này. Trong thời gian qua, chúng ta đã vận hành rất tốt. Đối với các hồ chứa này, chúng ta có thể yên tâm dung tích phòng lũ ở trên các bậc thang thủy điện sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Thác Bà khoảng 450 triệu m3, hồ Tuyên Quang 1 tỷ m3. Trước lũ thì chúng ta phải đưa mực nước về đón lũ, chúng ta có dung tích phòng lũ rất lớn để chủ động vận hành, đảm bảo an toàn hạ du. Thực tế trong những năm qua, chúng ta đã cắt lũ trên lưu vực sông Hồng rất tốt.

Ông Phạm Trọng Thực cho biết thêm, với chức năng được giao quản lý chung về thủy điện, Bộ Công Thương đã có các chỉ thị, văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật và gửi kết quả sai phạm về Bộ Công Thương để xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.
 

 Các hồ chứa thủy điện lớn cần có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối
Các hồ chứa thủy điện lớn cần có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối

*Triển khai Chỉ thị 22 của Thủ tướng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương là hai cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thủy điện.

Ông Đồng Văn Tự cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 22 của Chính phủ, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra đôn đốc việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hồ, đập tại các cơ sở. Việc đầu tiênlưu ý các địa phương là phải khắc phục ngay những hư hỏng, sự cố hồ, đập; bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó cho người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh không để xảy ra thiệt hại khi có mưa lũ lớn. Về lâu dài mỗi địa phương phải xây dựng đề án bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn.

Về phía người dân hạ du các hồ, đập cần chủ động chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện các phương án phòng chống thiên tai đã đề ra nhất là các phương án khi có thông báo xả lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các đơn vị khai thác, vận hành đập phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du.

Còn ông Phạm Trọng Thực cho biết, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa thủy điện hiệu quả, bảo đảm an toàn cho công trình và cho vùng hạ du.

Yêu cầu đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các chủ đập thủy điện và các cơ quan khác có liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện phải chủ động phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý an toàn và vận hành hồ đập, hồ chứa thủy điện; vận hành công trình thủy điện an toàn, hiệu quả và bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập thủy điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, chức năng của các công trình thủy điện; nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa và công tác phòng chống lụt, bão của công trình thủy điện.

Bộ Công Thương dự kiến sẽ kiểm tra 8 công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh để đánh giá công tác quản lý vận hành an toàn công trình theo quy định về quản lý an toàn đập thủy điện.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây