Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Xung lực mới thiết lập kỷ cương trong quản lý đất đai: “Quả đấm thép” chống trục lợi

(TN&MT) - Ngoài việc đưa ra các chế tài xử phạt mạnh mẽ, Nghị định số 91/NĐ-CP còn quy định việc bắt buộc khắc phục hậu quả, được xem là “quả đấm thép” vào những đối tượng đang cố tình lợi dụng việc vi phạm đất đai để trục lợi.

Trước tình trạng phân lô, bán nền trái phép đang diễn ra khá rầm rộ tại nhiều địa phương trên cả nước, Nghị định số 91/NĐ-CP đưa ra quy định những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đồng cho đến mức 1 tỷ đồng.

Đồng thời, Nghị định yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục là buộc làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh; buộc chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt; buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...
 

14 4 2020 3
Nghị định 91/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ làm minh bạch thị trường bất động sản

Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch tập HĐQT Hải Phát Land cho biết, Nhà nước muốn quản lý chặt hơn thị trường bất động sản đặc biệt các dự án phân lô, bán nền mà sử dụng đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, Nghị định số 91 ra đời mang tính chất răn đe các đối tượng tham gia thị trường bất động sản. Đặc biệt là các đơn vị phân phối các dự án này. Đây là chính sách vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt, trong Nghị định này có đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả. Đây được xem là biện pháp có tính răn đe mạnh bên cạnh việc xử phạt hành chính.

Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Nghị định 91 đã đưa ra điều khoản nghiêm ngặt hơn so với quy định cũ. Trước kia, sai phạm về sử dụng đất đai chưa có chế tài để xử lý. Nay, Nghị định 91 ra đời, những hành vi vi phạm đã có công cụ, có cơ sở để xử lý. Điều này kỳ vọng sẽ làm giảm các sai phạm trong sử dụng đất đai. Các chủ đầu tư, chủ sử dụng cũng phải trách nhiệm hơn trong hoạt động sử dụng đất đai. Bên cạnh các hình thức xử lý vi phạm, Nhà nước cần có chế tài mạnh hơn như xử lý hình sự nếu hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng.

Theo Bộ TN&MT, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số Công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 Công ty với diện tích giữ lại là 1.868.538 ha, tại 45 tỉnh. Trong đó, có 154.576 ha đất đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 133.800 ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Mặc dù, con số này có dấu hiệu sụt giảm, tuy vậy, tính chất các vụ việc lấn chiếm đất đai diễn ra khá phức tạp.

 

BBT (Nguồn: báo TN&MT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây