Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Mở rộng hạn mức - Cơ hội gia tăng giá trị của đất

(TN&MT) - Mặc dù, Luật Đất đai 2013 đã có những cải thiện cơ bản nhằm phát huy giá trị sử dụng đất, song sau hơn 5 năm thực hiện Luật, những quy định về vấn đề này đã bộc lộ vướng mắc khiến quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn chậm lại.

Hạn điền vẫn là rào can

Quá trình sử dụng đất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã vấp phải không ít khó khăn khi hạn mức giao đất còn quá nhỏ lẻ, chưa phát huy được ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh quy mô lớn…

Chưa đảm bảo khả thi

Với quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình không được quá 10 lần hạn mức giao đất, đã gây khó khăn cho người nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức quy định, phải nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng. Người không trực tiếp sản xuất, mặc dù, có vốn, công nghệ, thị trường, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đang là một quy định gây cản trở đầu tư vào nông nghiệp.

Mặt khác, khi quy định như vậy, trên thực tế, việc giám sát, quản lý cũng rất khó thực hiện, các cơ quan vẫn không quản lý được hạn mức nhận chuyển quyền. Biểu hiện rõ nhất là nhiều năm qua, không có cơ quan có thẩm quyền nào phát hiện được người sử dụng đất vượt hạn mức, khó xác định hạn mức trong trường hợp một người nhận chuyển quyền ở nhiều địa phương khác nhau, đồng thời, không xử lý được các trường hợp vượt hạn mức…
 

25 10 2019 2
Hạn mức giao đất còn quá nhỏ lẻ, chưa phát huy được ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh quy mô lớn

Bên cạnh đó, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không còn phù hợp với tình hình phát triển nền nông nghiệp của nước ta và tạo ra rủi ro pháp lý cho người có đất vượt hạn mức nhận chuyển quyền.

Ví dụ như người có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lại không được phép nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép. Buộc họ phải“lách luật”nhờ người thân đứng tên giùm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này tiềm ẩn rủi ro pháp lý và rất dễ phát sinh tranh chấp đất đai; khả năng được giải ngân khi vay vốn để sản xuất rất ít, người đứng tên trong Giấy chứng nhận có thể đem quyền sử dụng đất đó chuyển quyền cho người khác dẫn đến tranh chấp đất đai. Chính vì vậy, những nông dân tâm huyết với nghề sẽ khó lòng an tâm đầu tư sản xuất;

Ngoài ra, quy định hạn mức nhận chuyển quyền đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân của Luật như hiện nay cũng chưa khuyến khích tích tụ để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cá nhân nhận chuyển quyền vượt hạn mức là hành vi pháp luật nghiêm cấm và phần diện tích đất vượt hạn mức bị từ chối nhận thế chấp khi vay vốn ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp, mặc dù, không có quy định hạn mức giao và nhận chuyển nhượng nhưng quyền tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. Luật Đất đai hạn chế còn các trường hợp Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy đã có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng nhưng nhiều trường hợp do chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế về các hình thức tiếp cận đất nông nghiệp so với doanh nghiệp trong nước.

Từ những nguyên nhân này, việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nông dân bị hạn chế; mặt khác, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không hiệu quả còn tồn tại ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống người nông dân.

Mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp

Theo Bộ TN&MT, thực hiện chủ trương và kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Bộ TN&MT đang xây dựng và chỉ đạo rà soát các vướng mắc, khoảng trống khi thi hành Luật Đất đai, đồng thời, rà soát các quy định chưa phù hợp với thực tiễn để tập trung tháo gỡ.…Dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn trong đó có chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai.

Gần đây, ngày 17/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Trong đó, đã đề ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; hoàn thiện quy định về các quyền và nghĩa vụ sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung, trình Chính phủ trong năm 2021.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất giải pháp các nội dung cần thí điểm để tích tụ, tập trung đất đai, trình Chính phủ trong tháng 11/2019; Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp, trình Chính phủ trong tháng 10/2019.

BBT (Nguồn: Báo TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây