Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất của người đồng thừa kế

(TN&MT) - Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác... Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, cả hai vợ chồng có quyền ngang nhau trong quá trình định đoạt tài sản chung.

Khi một trong hai người chết, nếu không có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người còn lại thì người còn lại chỉ được quyền định đoạt ½ khối tài sản chung. Phần còn lại sẽ được phân chia theo pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người vợ có toàn quyền định đoạt khối tài sản chung khi người chồng chết mà không để lại di chúc. Trường hợp này được cụ thể hóa qua Án lệ số 16/2017 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua tháng 12/2017.
 

21 8 2020 1
Ảnh minh họa

Cụ thể tình huống trong Án lệ số 16/2017 như sau: Vợ chồng ông A, bà B cùng có tài sản chung là mảnh đất có diện tích 398m2 tỉnh Vĩnh Phúc. Ông A chết không để lại di chúc. Sau khi ông A chết, bà B đã chuyển nhượng 131m2 cho người khác. Phần diện tích đất đã bán và còn lại đều được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các bên. Phần diện tích đất bà A chuyển nhượng các con bà đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà có lời khai là bà bán đất để lo cuộc sống của bà và các con.

Tuy nhiên, sau đó, một số người con của ông bà đem đơn kiện đòi lại phần đất bà B đã bán vì cho rằng diện tích đất đó thuộc sở hữu chung của bà và các con (những người cùng hàng thừa kế hợp pháp theo pháp luật của ông A).

Tại Tòa án cấp sơ thẩm, hội đồng xét xử xác định di sản là tổng diện tích đất bao gồm cả phần đất đã bán để chia di sản. Đến phiên Tòa phúc thẩm, hội đồng thẩm phán lại cho rằng, việc các con của bà B biết mà không phản đối việc chuyển nhượng đất chứng tỏ đã đồng ý với quyết định này. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà đã bán vào khối tài sản để chia.

Sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kết luận, phán xét của Tòa sơ thẩm là không đúng, phán xét của Tòa án phúc thẩm là có căn cứ.

Từ tình huống này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Án lệ số 16/2017 để hướng dẫn xử lý các tình huống tương tự phát sinh về sau. Cụ thể, khi tình huống đặt ra: Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xử lý tình huống này: Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.

BBT (Nguồn: Báo TN&MT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây