Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Bám sát các chủ trương lớn trong quản lý đất đai

Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mớivà Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện là những văn bản chỉ đạo quan trọng, thể hiện các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về quản lý đất đai. Bám sát các văn bản này là một giải pháp quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên đất.

Thực tiễn hiện nay việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn có tồn tại, hạn chế, chưa quyết liệt chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm, đặc biệt là một số dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng; việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế,... Quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất đã có nhiều đổi mới trong pháp luật đất đai năm 2013 còn thiếu đồng bộ với các quy định về kiểm soát năng lực đầu tư, tài chính.

Vì vậy, nâng cao hiệu quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai cần tập trung các giải pháp chính đã được thể hiện trong Nghị quyết 19-NQ/TW và Chỉ thị 01/CT-TTg.
 

07 2 2020 1
Cần bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quản lý đất đai

Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý đất đai và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, chậm đưa đất vào sử dụng; rà soát, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đấu giá đất, nhất là những khu đất “vàng”,… Đặc biệt, đối với việc chậm đưa đất vào sử dụng tại các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất giải pháp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về xử lý các dự án chậm sử dụng đất trên địa bàn, trong đó phải kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư chủ động tìm giải pháp khắc phục để đảm bảo dự án đầu tư sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích. Trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án đầu tư thì thu hồi đất, đặc biệt là các dự án gây bức xúc trong dư luận, đất đã được giao, cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tránh thất thoát, tham nhũng.

Bên cạnh đó cần quán triệt việc thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, yêu cầu thực tiễn cần có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng.

Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực thi pháp luật để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư tránh để hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Nghiên cứu đổi mới phương thức xử lý đối với các trường hợp để hoang hóa, lãng phí đất đai bằng cơ chế tài chính như đánh thuế tài sản để các nhà đầu tư không có đủ năng lực đầu tư buộc phải trả lại đất cho Nhà nước hoặc chuyển giao cho các nhà đầu tư có đủ năng lực để sử dụng.

Ngoài ra, các Bộ, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu đổi mới pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan (đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng,...) để đảm bảo sự đồng bộ, đảm bảo các quy định kiểm soát năng lực đầu tư, tài chính, quản lý dự án của nhà đầu tư, sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, cơ quan có liên quan; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tham nhũng; đặc biệt sẽ quy định hạn chế tối đa việc thu hồi đất ở để thực hiện dự án đầu tư, đổi mới phương thức sử dụng đất thực hiện dự án trên cơ sở chi phí - lợi ích, chia sẻ để đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất - nhà nước - nhà đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cá nhân có thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thu hồi đất, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi đến khi việc tổ chức thực hiện dự án đạt hiệu quả theo quy định.

 

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây