Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Sửa đổi Luật BVMT: Giải quyết bất cập trong quản lý chất thải

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường đưa ra nhưng thay đổi cơ bản để giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác quản lý chất thải.

Điển hình như giao ngành tài nguyên và môi trường đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Quy định rõ nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, nội dung chính bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó phương án cụ thể về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ xử lý, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung.

Quy định nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, các công cụ kinh tế để thúc đẩy công tác giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đối với các cơ sở xử lý chất thải cần yêu cầu về vị trí cơ sở, nhân lực, công nghệ, biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố....để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Một số nguyên tắc dự kiến được luật hóa như, đưa ra yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đưa ra nguyên tắc người “người gây ô nhiễm phải trả tiền” dựa trên việc quy định theo khối lượng phát sinh; Đưa ra quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định, không đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhà nước thực hiện lộ trình chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp trực tiếp. Đặc biệt là huy động sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, Tổ dân phố, cộng đồng dân cư..., đối với việc tổ chức thực hiện giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính tại địa bàn cơ sở.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây