Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Nhiều sáng kiến giảm ô nhiễm môi trường

Xử lý khí thải bằng công nghệ nhiệt độ thấp và dùng thảm thực vật xử lý nước thải kênh, rạch là hai sáng chế kỳ vọng góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

* Công nghệ mới xử lý khí thải

Xử lý khí thải bằng công nghệ nhiệt độ thấp là nghiên cứu của các kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khí thải từ các nhà máy công nghiệp có thể được xử lý đến 100% nhờ công nghệ nhiệt độ thấp sử dụng các xúc tác hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp.

Ưu điểm của sản phẩm của nhóm nghiên cứu, ngoài việc giảm được đáng kể giá thành so với các sản phẩm nhập ngoại từ kim loại quý đắt tiền, còn có khả năng ổn định cao hơn vì những xúc tác kim loại quý dễ bị thiêu kết trong môi trường nhiệt độ cao và dễ mất hoạt tính sau một thời gian ngắn khi gặp clo và lưu huỳnh trong khí thải.

Sản phẩm hiện đã sẵn sàng để áp dụng thương mại. Hiện nay, một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải ở Hải Dương đã lắp đặt bộ xúc tác này trên hệ thống ống xả với chi phí khoảng 100 triệu đồng/lần. Phải sau tối thiểu 2 - 3 năm, các nhà máy này mới cần phải thay thế bộ xúc tác.

Sau khi lắp đặt, người sử dụng không phải điều chỉnh gì ngoại trừ việc đảm bảo các yếu tố công nghệ như thiết kế. Trước khi sử dụng xúc tác xử lý khí thải, các nhà máy phải được khảo sát công nghệ để chế tạo những hỗn hợp xúc tác tối ưu và có được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất trong quá trình vận hành.
 

baimtruong2262022
Hình ảnh mô phỏng thảm thực vật lọc nước thải.

* Làm sạch kênh, rạch với ý tưởng của sinh viên

Trong khi đó, sử dụng thảm thực vật nổi kết hợp pin năng lượng mặt trời để xử lý nước thải kênh, rạch là ý tưởng của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM .

Ý tưởng của nhóm có thể xử lý ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, cải thiện cảnh quan khu vực bằng những loài thực vật được lựa chọn nổi trên mặt nước, giảm thiểu các chất ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tối đa việc thay đổi cấu trúc kênh rạch, xây dựng công trình với chi phí đầu tư rẻ.

Thực vật thuỷ sinh là thành phần chính trong phương pháp này để xử lý chất ô nhiễm trong nước bằng cách hấp thụ các chất đó như nguồn dinh dưỡng để giúp cây trưởng thành và ra hoa, tạo nên cảnh quan đẹp đẽ trên mặt kênh và phủ xanh mặt nước.

Theo nhóm tác giả, mô hình sử dụng 5 - 6 loài thực vật khác nhau tìm thấy ở ven các kênh rạch với vỏ hàu và xơ dừa được đặt trong rổ nhựa có lớp lưới bằng nhựa bọc phía dưới tránh cho vật liệu rơi ra ngoài. Đường kính của mắt lưới là 2,5cm nên yêu cầu kích thước vỏ hàu là từ 3cm trở lên. Trong lớp vật liệu, 80% là lớp vỏ hàu, 20% còn lại là xơ dừa giúp cho rễ bám chắc hơn.

Nhóm nghiên cứu cho hay, hiện bè thực vật nổi được áp dụng tại khá nhiều con sông ô nhiễm như sông Tô Lịch (Hà Nội), tuy nhiên, thảm thực vật nổi kết hợp hệ thống sục khí được sử dụng bằng pin năng lượng mặt trời vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ngoài thực tế, chỉ được thử nghiệm trong thí nghiệm.

Chi phí đầu tư rẻ, dễ dàng vận hành, lắp đặt chính là ưu điểm lớn của mô hình. Thảm thực vật nổi xử lý nước thải với các thực vật thủy sinh là phần xử lý chính phù hợp với tiêu chí: Dễ tìm, giá thành thấp, phát triển mạnh mẽ trong điều kiện nước mặn, khả năng xử lý các chất hữu cơ cao, với độ phủ mảng xanh cao cùng bộ rễ kiên cố, chắc chắn và tạo nên cảnh quan một cách thẩm mỹ. Dự án này của nhóm đạt giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ TPHCM lần thứ XIII năm 2021.

 

K.Linh (t/h)

Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TNMT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây