Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa

Cả thế giới đang dấy lên phong trào giảm thiểu rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những cách làm hay có thể là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam tham khảo.

Tại Nhật Bản, trước thực trạng rác thải nhựa, tháng 6 năm 2018, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật về giảm thiểu việc xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ từ các nhà máy ra biển và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các thượng nghĩ sĩ. Cơ chế này hối thúc các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng sản xuất hóa mỹ phẩm ngừng sử dụng các hoạt nhựa siêu nhỏ trong quá trình sản xuất; kêu gọi giảm thải các mảnh nhựa có kích thước tới 5mm ra môi trường. Đây được xác định là biện pháp đầu tiên và mạnh tay về các biện pháp giảm thiểu xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ ra môi trường.

Hàn Quốc là một trong các quốc gia có tỷ lệ tái chế rác thải đô thị cao nhất thế giới và hoạt động xuất khẩu mặt hàng này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các quốc gia khác không nhập khẩu rác thải nhựa từ Hàn Quốc. Các Công ty thu gom, tái chế rác thải nhựa của Hàn Quốc đã đồng loạt tuyên bố dừng thu gom phế liệu. Chính phủ Hàn Quốc quyết định hỗ trợ tài chính cho các công ty tái chế rác thải và quan trọng hơn tìm cách chuyển xuất khẩu rác thải sang mô hình tái chế trong nước theo hướng bền vững và giảm sử dụng nhựa. Tháng 5 năm 2018, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ban hành các quyết định khắt khe nhằm thắt chặt việc sử dụng rác thải nhựa, đồng thời đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tái chế rác trong nước từ 34% đến 70% vào năm 2030.

Theo Cục Quản lý ô nhiễm của Thái Lan, rác thải nhựa của nước này tăng 12% mỗi năm, tức khoảng 2 triệu tấn. Nỗ lực thu gom rác rồi sau đó lại đem đi tái chế chỉ là biện pháp tạm thời. Biện pháp lâu dài và bền vững để hạn chế tác thải nhựa Thái Lan tiến hành là nâng cao nhận thức người dân, thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần.

Kể từ 01/01/2017, Colombia đã cấm sử dụng túi nilong kích thước nhỏ hơn 30 cm x 30 cm, đồng thời đưa ra các lựa chọn thay thế và khả năng chịu tải cao hơn, giúp giảm 27% lượng tiêu thụ loại vật liệu này.

Tháng 7 năm 2017, Chính phủ Colombia đã ban hành thuế đối với toàn bộ túi nilong nhằm khuyến khích người dân chuyển hướng sang loại túi có khả năng tái sử dụng. Người dân phải trả một xu Mỹ cho mỗi chiếc túi nilong. Hằng năm mức thuế sẽ tăng 50%. Khoản tiền thuế thu được để phục hồi nguồn sinh vật biển và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển các tổ chức môi trường để thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.

Tháng 11 năm 2018, các Bộ trưởng Môi trường liên bang, bang và vùng lãnh thổ thông qua Hội đồng bộ trưởng về môi trường Canada đã thông qua chiến lược toàn Canada nhằm hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa. Chiến lược được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có về giảm lượng rác thải nhựa tại bãi chôn lấp và trách nhiệm mở rộng các nhà sản xuất để tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Sử dụng phương pháp tiếp cận vòng đời sản phẩm để giải quyết các khâu từ ngăn ngừa và thiết kế, thu gom, làm sạch cũng như phục hồi giá trị sản phẩm. Chiến lược phản ánh các ưu tiên của hệ thống quản lý chất thải, vận động nhiều ngành và đối tác cùng tham gia để loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa. Về mặt thị trường, đưa ra sản phẩm đến những khu vực có thể tái chế và nhựa dùng một lần cũng có thể tái chế.

Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa đã xác định 10 nội dung ưu tiên gồm thiết kế sản phẩm, nhựa dùng một lần, hệ thống thu gom, năng lực tái chế, nhận thức của người tiêu dùng, các hoạt động thủy sản, nghiên cứu và giám sáy, làm sạch và hành động toàn cầu. Các bước tiếp theo là phối hợp giữa các bên liên quan ở cấp liên bang với chính quyền cấp bang và vùng lãnh thổ để xác định giải pháp và thống nhất hành động cụ thể gọi là kế hoạch hành động. Sau đó, là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư.

Liên minh Châu Âu đang đi đầu phong trào BVMT biển. Phiên họp tại Pháp ngày 27/3/2019 đã bỏ phiếu ban hành luật cấm sử dụng nhựa dùng một lần trước năm 2021. Kết quả đã có gần 90% Nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này. Nghị viện Châu Âu đã quyết liệt bỏ phiếu trong nỗ lực cấm việc sử dụng nhựa dùng một lần gồm ống hút, tăm bông, dao kéo nhựa với hy vọng sẽ thuyết phục người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên Châu Âu trước bối cảnh ô nhiễm môi trường biển đang ở mức báo động. Bên cạnh đó, lệnh cấm sử dụng nhựa một lần các quốc gia thành viên cũng đưa ra lời khẳng định đạt mục tiêu thu gom 90% chai nhựa trước năm 2029. Chai nhựa sẽ phải chứa ít nhất 25% hàm lượng tái chế trước năm 2025 và 30% trước năm 2030.

Đạo luật này cũng tăng cường việc áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm” bằng các mở rộng trách nhiệm đối với các doanh nghiệp sản xuất. Về cơ bản, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất phải chịu chi phí ô nhiễm chứ không phải một ngư dân lỡ làm mất lưới đánh bắt trên biển.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây