Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực từ hoạt động phát triển kinh tế đến môi trường

Thời gian qua, trước áp lực của các hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiều vấn đề môi trường đã xảy ra khiến nhân dân lo ngại. Thực trạng này xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường thực hiện công tác thanh, kiểm tra các dự án đang hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Áp lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Nguyên nhân khách quan phải kể đến đó là do áp lực lên môi trường ngày càng lớn bởi quá trình gia tăng dân số, đẩy mạnh phát triển công nghiệp; vẫn còn tồn tại nhiều lĩnh vực, loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ sản xuất lạc hậu; cùng với tư duy ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường,… làm gia tăng các nguồn gây ô nhiễm, phát sinh chất thải lớn ra môi trường. Ngoài ra, một số sự cố môi trường xảy ra cũng do nguyên nhân bất khả kháng trong quá trình vận hành.

Nguyên nhân chủ quan, trước hết là do các biện pháp, công cụ phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả (chưa chú trọng đúng mức phương thức tiếp cận phòng ngừa ngay từ đầu vào quá trình sản xuất; chưa xác định, khoanh vùng được các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, kèm theo biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ; sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp, các ngành về kiểm tra, giám sát, xử lý các vụ việc ô nhiễm, sự cố môi trường chưa thống nhất, thiếu sự gắn kết, chưa rõ trách nhiệm; chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát bảo vệ môi trường).

Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm chi phí xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại…), do chi phí xử lý tốn kém; một số doanh nghiệp thiếu ý thức bảo vệ môi trường; thiếu trách nhiệm với cộng đồng nên xả thải không qua xử lý.

Để kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động kinh tế, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường thực hiện công tác thanh, kiểm tra các dự án đang hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, năm 2017, các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng).

Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường nhằm khắc phục những bất cập tồn tại trong quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt đối với dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng từ các dự án, cơ sở sản xuất nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.

Đối với các dự án vi phạm về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với địa phương yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, thiết lập và thường trực đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (Từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, tiếp nhận trên 700 thông tin, kết quả các địa phương đã xác minh, xử lý được gần 350 vụ việc).

Đồng thời, Bộ đã rà soát, đề xuất Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường và luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 15% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xem xét chặt chẽ toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây